Người dân tìm hướng đi mới trước tình trạng tiêu chết hàng loạt

Cập nhật 26/4/2017, 17:04:42

Trước tình hình tiêu chết hàng loạt không rõ nguyên nhân khiến nhiều hộ trồng tiêu lâm vào cảnh nợ nần.

Trước tình trạng này thì nhiều người phải chuyển hướng sang trồng cây mới, thậm chí phải chuyển đến vùng đất mới để trồng tiêu với mong muốn khắc phục hậu quả, khôi phục lại kinh tế để có tiền trả nợ ngân hàng. 

Vừa phá hơn 1.500 trụ tiêu bị chết để đào hố trồng cà phê, ông Vũ Chí Hùng ở thôn Tứ Kỳ Nam, xã Al Bá, huyện Chư Sê cho biết: Gia đình ông đầu tư trồng tiêu lâu năm rồi, cũng có hiện tượng tiêu chết nhưng chưa khi nào tiêu lại bị bệnh chết hàng loạt như 2 năm trở lại đây. Nhìn vườn tiêu khoảng 2.000 trụ đã chết gần hết ông không khỏi lo lắng vì bao vốn liếng của gia đình đã dồn hết vào đây, giờ biết lấy tiền đâu trả lãi khi số nợ ngân hàng cũng ngót nghét 300 trăm triệu. Trong khi đó có muốn đầu tư trồng cây mới cũng cần phải có vốn.

 Ông  Hùng nói: “Giờ tiêu chết hết rồi, tôi đang bắt đầu nhổ trụ lên để trồng lại cà phê rồi vài năm sau khi cây cà phê lớn tôi sẽ trồng xen tiêu vào. Tôi nợ ngân hàng nông nghiệp 300 triệu, hiện nay như thế này không có tiền trả lãi, trả gốc của ngân hàng. Giờ chúng tôi mong muốn được xem xét giản nợ để chúng tôi có thời gian khôi phục kinh tế trả nợ dần”.

Cách nhà ông Hùng không xa là vườn tiêu đã bị chết trên 70% của gia đình chị Nguyễn Thị Luật, trong khi số còn lại cũng không được khả quan lắm. Nhìn vườn tiêu xơ xác chị Luật chia sẻ, 1.5000 trụ tiêu 4 năm tuổi đang cho thu hoạch của gia đình chị đang xanh tốt bỗng dưng bị bệnh tháo khớp rồi chết gần hết. Và cũng như nhà ông Hùng, bao vốn liếng gia đình chị đã đầu tư hết vào đây, giờ tiêu chết kinh tế gia đình chị lao đao không biết bấu víu vào đầu.

Chị Nguyễn Thị Luật-Thôn Tứ Kỳ Nam, xã Al Bá, huyện Chư Sê cũng cho biết: “Tiêu giờ chết hết rồi mà gia đình có bao nhiêu vốn dồn hết vào tiêu, lại vay lãi của ngân hàng nữa nên gia đình không biết khắc phục kiểu gì mà không có nguồn vốn để làm ăn nữa. Mong muốn làm cây khác giờ tiêu làm không được nhưng giờ vay vốn thì khó”.

Ông Trương Văn Hoàng-PCT UBND xã Al Bá, huyện Chư Sê nói về thực trạng ở địa phương trước việc cây hồ tiêu chết hàng loạt:“Những năm gần đây cây hồ tiêu trên địa bàn xã chết số lượng rất lớn, chính quyền địa phương cũng phối hợp cùng với Hiệp hội Hồ tiêu, phòng nông nghiệp về chữa trị nhưng vẫn không tránh được nạn chết trên cây tiêu Hiện nay có một số hộ phần lớn đa số là vay vốn ngân hàng nhưng do 2 năm gần đây tiêu chết nên nhiều người vay vốn ngân hàng không đủ điều kiện trả nợ cho nên đời sống của bà con nhân dân hết sức khó khăn. Một số người vì tiêu chết nên chuyển hướng nơi khác, tìm vùng đất mới để phát triển kinh tế để lo số nợ nần ở địa phương”.

Huyện Chư Sê có khoảng 3.740 ha tiêu, hiện chưa thống kê được cụ thể số diện tích tiêu chết trên địa bàn huyện, tuy nhiên theo tìm hiểu diện tích tiêu chết tương đối lớn. Trước tình hình tiêu chết hàng loạt, nhiều người dân tại huyện Chư Sê đã tìm hướng đi mới như phá tiêu trồng cà phê hoặc tìm vùng đất mới để đầu tư trồng lại tiêu. Bên cạnh đó cũng có một số người chuyển sang trồng tiêu lốt, một giống tiêu mới được trồng tại Gia Lai vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo khuyến cáo đây là hướng đi khá mạo hiểm bởi giá trị của loại cây trồng này, cũng như đầu ra cho sản phẩm vẫn chưa rõ ràng, bà con nông dân không nên mở rộng diện tích./.


Lượt xem: 70

Trả lời