Người dân thắt chặt chi tiêu vì xác định cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn kéo dài

Cập nhật 22/8/2020, 09:08:37

Dịch Covid – 19 đang khiến cho nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam bị suy giảm do các hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy khác như: Gia tăng tỷ lệ lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút… Với những diễn biến rất phức tạp như hiện nay, Việt Nam xác định cuộc chiến chống dịch Covid – 19 sẽ còn kéo dài, nên dự báo tình hình kinh tế sẽ còn khó khăn hơn. Để có thể chung sống an toàn với dịch, vấn đề người dân quan tâm lúc này là hình thành những thói quen tích cực để phòng chống dịch hiệu quả và quan trọng nữa là phải tính toán cân đối và thắt chặt chi tiêu mới có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

 Chủ cửa hàng này cho biết, từ khi đợt dịch Covid – 19 tái bùng phát trở lại lần 2, lượng hàng hóa bán ra những ngày qua giảm khoảng 30 – 40% so với tháng trước. Các mặt hàng tiêu thụ tập trung vào những sản phẩm thiết yếu hàng ngày phục vụ sinh hoạt trong gia đình, còn bánh kẹo, những loại thực phẩm cao cấp, nhu cầu tiêu thụ không nhiều.

Anh Đỗ Minh Hùng, Cửa hàng thực phẩm Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Pleiku nói: “Đợt dịch trước khi có thông tin thì khách hàng đi mua rất nhiều để tích trữ. Sau đó không dùng hết họ đem gửi lại cửa hàng. Đợt này người ta không đi mua ồ ạt nữa, vẫn tiêu thụ bình thường. Làm ăn cũng khó khăn nên mua cũng ít lại. Lượng bán giảm đi, người dân mua ít đi nên mình bán cũng ít hơn”.

 Dịch bệnh Covid – 19 đang ngày càng tác động tiêu cực rất rõ nét, vì không chỉ một cửa hàng mà tình trạng mua bán ế ẩm, sức mua giảm mạnh là tình trạng chung hiện nay của thị trường hàng hóa dịch vụ trên địa bàn thành phố Pleiku.

Chị Vũ Thị Huyền, Cửa hàng thực phẩm Trần Phú cũng cho biết: “Đợt dịch đầu tiên người dân còn có thu nhập trước đó , kinh tế ổn định hơn nên người dân có tâm lý trữ nhiều hơn và nhu cầu mua sắm của người dân nhiều hơn. Nhưng đợt dịch này do khó khăn kéo dài nên sức mua giảm nhiều và bây giờ người dân cũng thắt chặt chi tiêu hơn”.

Dịch Covid – 19 tái bùng phát trở lại với những diễn biến hết sức phức tạp cả trong nước cũng như nhiều quốc gia trên thế giới và được xác định là còn kéo dài, điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn. Chuẩn bị tâm lý để vượt qua những khó khăn khi dịch bệnh kéo dài thì việc người dân thắt chặt chi tiêu lúc này là hoàn toàn hợp lý.

Bà Đỗ Thị Như Thủy, Phường Phù Đổng, thành phố Pleiku nói: Chỉ mua sắm những đồ dùng thiết yếu thôi, không như hồi trước mua thêm cái này cái khác. Xác định dịch kéo dài cũng ảnh hưởng đến kinh tế tài chính nhiều, tất cả mọi thứ phải bó hẹp lại, thắt chặt tối thiểu chi tiêu từ nhu cầu mua sắm đi lại hoặc những bổ sung về nhu cầu tinh thần thì cũng hạn chế hơn.

Đối với người dân vùng nông thôn thì những khó khăn đã xuất hiện từ đợt dịch trước do hoạt động giao thương giữa các nước bị đình trệ khiến giá cả nông sản giảm thấp, tiêu thụ khó khăn. Với tình hình hiện nay dịch bùng phát trở lại thì cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn, nên buộc người dân phải thắt chặt chi tiêu.

Nguyễn Thị Thanh, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai cho biết: “Cây cà phê, cây ăn trái…có nhiều biến động. Nên giờ đi vay mượn để chi tiêu hiện tại thì các đại lý không cắt cà cho mình.  Các đại lý mọi năm họ còn xuất tiền ra cho mình để mà đi mua bán sau đó cuối năm trả lại cho đại lý nhưng giờ đại lý họ không làm như vậy nên người dân bị ảnh hưởng. Từ chỗ khó khăn đó, các hộ gia đình cũng phải thắt chặt chi tiêu cho gia đình mình”.

Để sớm vượt qua những khó khăn do tác động của dịch Covid – 19, hơn bao giờ hết, Chính phủ, các cấp, các ngành rất cần sự chung sức đồng lòng của người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Vì đó không chỉ là vấn đề bảo vệ sức khỏe mà còn giảm thiểu được những thiệt hại về kinh tế do dịch Covid – 19 gây ra và đang hiện hữu ngày càng rõ nét trong cuộc sống hiện tại./.

  Hồng Uyên,  Phi Long

 


Lượt xem: 108

Trả lời