Người dân một số vùng chuyên canh rau xanh lo ngại nguy cơ ô nhiễm từ nguồn nước ngầm  

Cập nhật 02/11/2016, 07:11:59

Để lựa chọn giữa sức khỏe và kinh tế, người dân trồng rau ở huyện Đăk Pơ buộc phải chọn kinh tế, còn trước mắt để bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm do quá trình sản xuất lâu năm sử dụng lượng lớn phân bón hóa học, các loại chất kích thích cây trồng tăng trưởng nhanh, nhiều gia đình thay vì dùng nước giếng thì chuyển sang sử dụng nước đóng bình như một cách tự trấn an mình.

2-11-tongau

Tân An là vùng chuyên canh rau xanh của huyện Đăk Pơ được hình thành từ hàng chục năm nay. Người dân ở đây vẫn sản xuất theo lối truyền thống, không theo quy trình sản xuất nào, nên quá trình sản xuất vẫn có tình trạng lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhằm kích thích cây trồng tăng trưởng nhanh, mang lại năng suất cao. Đặc biệt là vào thời điểm giá cả tăng cao, việc lạm dụng các loại hóa chất kích thích càng nhiều hơn.

Ông Lê Đức Định, Thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đăk Pơ cho biết: “Lắm khi hôm nay mà thấy giá cao thì chiều tối nay phun mai thu để bán ra thị trường được giá cao. Tình trạng này rất phổ biến ở khu vực trồng rau”.

Theo như cách mà ông Định lý giải, vùng rau ở đây đã có từ mấy chục năm nay nên lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất kích thích ngấm vào đất là không hề nhỏ, nên nguy cơ nguồn nước ngầm bị ô nhiễm là rất lớn. Thực tế, nguồn nước sau khi bơm lên cũng thường bị cáu bợn, nước không được trong. Mặc dù chưa có công bố chính thức nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nhưng từ hiện tượng quan sát bằng mắt thường và theo suy luận như ông Định nên người dân lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu tiếp tục sử dụng nước giếng trên địa bàn.

Ông Lê Đức Định, Thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đăk Pơ nói: Lo ngại nguồn nước bị ô nhiễm nên gia đình chuyển sang dùng nước bình để ăn uống, còn nước giếng chỉ để tắm giặt, mùa mưa thì hứng nước mưa dùng…

Bà Nguyễn Thị Thanh Chương, Thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đăk Pơ cũng cho biết: “Không riêng gì một nhà nào mà ở đây nhà nào cũng thế, lâu nay bà con chuyển sang dùng nước bình cho yên tâm chứ biết sao được. Còn sản xuất thì cứ vẫn phải sản xuất chứ đâu bỏ được”.

Vấn đề đáng nói ở đây là bà con ai cũng biết và hiểu rõ những ảnh hưởng đến sức khỏe từ thói quen lạm dụng phân bón hóa học, các chất kích thích trong sản xuất. Thế nhưng vì đó là nguồn thu nhập chính người dân trong vùng nên mọi người cũng phải chấp nhận như kiểu “sống chung với lũ” và sử dụng nước bình là cứu cánh mà nhiều gia đình chọn để hạn chế ảnh hưởng từ nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm do quá trình sản xuất.

Hồng Uyên – Thiên Nga- Thanh Sáng

 


Lượt xem: 75

Trả lời