Người dân chung tay làm đường giao thông nông thôn.

Cập nhật 19/4/2021, 07:04:55

Mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng người dân ở vùng sâu vùng xa trên địa bàn huyện Đak Đoa, đã tự nguyện đóng góp tiền của, công sức để làm đường giao thông nông thôn, đảm bảo đi lại dễ dàng và tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Tuyến đường giao thông nông thôn ở làng Dô, xã Glar, huyện Đăk Đoa đã được bê tông vững chắc và rộng thoáng. Để có được con đường này là nhờ cách làm hay từ việc đóng góp công sức của những người dân để canh tác hơn 1ha cà phê ở khu đất chung của làng.

Anh Him – Thôn trưởng làng Dô, xã Glar, huyện Đăk Đoa nói: “Làng mình có hơn 1ha đất để làm cà phê. Mọi người đều chung công vào làm và hằng năm thu hoạch là bán để làm quỹ chung của làng. Những năm gần đây nguồn quỹ này chủ yếu là làm đường giao thông để đi lại và vận chuyển nông sản cho dễ dàng”.

Anh Sing – Người dân làng Dô, xã Glar, huyện Đăk Đoa chia sẻ: “ Mình và bà con trong làng đều cùng chung ngày công để chăm sóc cây cà phê trong quỹ đất chung của làng. Mùa thu hoạch thì cùng đi hái và bán lấy tiền để làm đường giao thông. Đường người dân mình tự làm  để  đi lại cho dễ và tiện lợi để chở các cây trồng của gia đình mình  khi thu hoạch về nhà”.

Cùng với làng Dô thì hầu hết 10 thôn làng ở xã Glar đều có quỹ đất chung. Theo đó, các hộ trong làng sẽ chia thành từng nhóm để quản lý, chăm sóc cây trồng. Đến vụ thu hoạch, sau khi bán sản phẩm, toàn bộ kinh phí thu được sẽ nhập về quỹ của làng để phục vụ những việc chung. Chính cách làm sáng tạo ấy đã hạn chế được việc huy động sự đóng góp của dân trong làm đường giao thông nông thôn nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung ở địa phương.

Ông Bùi Quang Thoại – Phó Chủ tịch UBND xã Glar, huyện Đăk Đoa cho biết: “Trong vấn đề làm đường, tất cả các hộ trong xã đều đóng góp tiền và bỏ ngày công để cùng thực hiện, số tiền đóng góp của từng hộ cũng được làng chia ra tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình. Ngoài các con đường do Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều tuyến đường người dân tự làm bằng quỹ chung của làng mình. Nhờ đó hệ thống giao thông trong xã đã được thông thoáng và đảm bảo trong các mùa mưa nắng”.

Đến nay trên địa bàn xã Glar đã có hơn 3km đường giao thông tại các làng được bê tông do nguồn kinh phí người dân tự làm. Điều đáng ghi nhận là một số thôn, làng khó khăn nhưng người dân cũng tự nguyện bỏ tiền, ngày công để làm và tự bảo quản công trình. Điều này đã tạo được khí thế thi đua sôi nổi giữa các địa phương với nhau, góp phần không nhỏ trong việc cải tạo bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã Glar nói riêng và huyện Đăk Đoa nói chung, góp phần túc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương./.

Ngọc Ánh, Minh Trung


Lượt xem: 28

Trả lời