Người dân cần chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật 09/9/2022, 14:09:28

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ia Pa bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Phòng chống sốt xuất huyết huyện đã chỉ đạo ngành y tế cùng chính quyền các xã nhanh chóng triển khai các phương án dập dịch.

Tại khoa Nội nhi nhiễm, Trung tâm y tế huyện Ia Pa các phòng đều chật kín bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Theo báo báo của Trung tâm y tế huyện Ia Pa, tính từ đầu năm 2022 đến nay toàn huyện đã ghi nhận 246 ca sốt xuất huyết, tăng 201 số ca mắc bệnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó các xã có số lượng bệnh nhân mắc nhiều nhất là: Ia Mrơn hơn 72 ca, Ia Trôk 56 ca; Chư Mố 45 ca, Ia Broăi 19 ca…

Ông Hoàng Văn Đoàn – Thôn Bình Hòa, xã Chư Răng, huyện Ia Pa cho biết: “Ở nhà thì cứ sốt triền miên, lúc thì nóng, lúc thì lạnh, sáng nay thì tôi mới phát hiện ra người tôi nổi mụn, đi cầu ra máu. Tôi vào nhập viện đây thì cũng xét nghiệm máu, từ lúc xuống đây truyền nước thì cũng thấy người đỡ hơn, không còn sốt nóng, lạnh như trước ”.

Hiện số ca mắc sốt xuất huyết đến điều trị tại khoa Nội nhi nhiễm đang tăng cao đột biến. Có thời điểm 1 ngày khoa tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân.

Bác sỹ Kpă Thoanh– Phó trưởng Khoa Nội nhi nhiễm, Trung tâm y tế huyện Ia Pa nói: “Ngoài triệu chứng bệnh nhân sốt cao liên tục, đau đầu và đau mỏi cơ xương khớp thì có những bệnh nhân đến đây đã bị ở nhà 3-4 ngày rồi, có hiện tượng nổi nốt xuất huyết tự nhiên ngoài da rồi. Cụ thể ngày hôm nay có trên 10 ca sốt xuất huyết rất nhiều nơi ở địa bàn mình”.

Tính đến nay toàn huyện Ia Pa đã ghi nhận 51 ổ dịch, phân bố rải rác tại 40/51 thôn, làng, trong đó có 25 ổ dịch đã được khống chế, số ổ dịch đang hoạt động là 26. Nguyên nhân dẫn đến bệnh lây lan nhanh là do hiện nay thời tiết trên địa bàn mưa nhiều, khí hậu ẩm thấp là  điều kiện thuận lợi cho các loại muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển, bên cạnh đó thì ý thức tự bảo vệ của người dân sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành còn hạn chế, hầu như người dân không quan tâm đến vệ sinh môi trường, nhất là diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Ông Đào Xuân Ánh, Phụ trách Khoa kiểm soát bệnh tật huyện Ia Pa cho biết: “Dịch sốt xuất huyết nổi cộm nhất, cao điểm nhất là vào tháng 8 và tháng 9. Khoa kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với các trạm y tế xã lập kế hoạch rồi đi xuống từng thôn làng và những nhà có bệnh nhân sốt xuất huyết để tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường, cọ rửa những vật dụng đựng nước để diệt loăng quăng, bọ gậy để muỗi không sinh sản được để phòng chống sốt xuất huyết”.

Tính tới thời điểm này, tuy trên địa bàn huyện chưa có trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết, nhưng đây là một loại bệnh nguy hiểm và có những biến chứng khó lường. Do đó ngoài thực hiện các biện pháp phòng, chống thì ngành y tế huyện khuyến cáo người dân nếu có các triệu chứng nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám, điều trị. Gia đình có người mắc bệnh cần thông báo cho trạm y tế địa phương để có giải pháp khoanh vùng, xử lý, không để bệnh lây lan trên diện rộng.

Như Loan – Siu Tơ Ni (CTV: Ia Pa)


Lượt xem: 5

Trả lời