Nghị lực vươn lên trên đôi chân tật nguyền

Cập nhật 19/4/2017, 08:04:42

“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, câu nói ấy thật không sai. Với những người bình thường, cuộc sống chưa hẳn đã đủ đầy nói gì đến những người khuyết tật. Thế nhưng cuộc sống này không lấy hết đi tất cả những gì của một ai đó mà như một quy luật, sẽ bù đắp cho họ bằng một thứ khác. Và rồi bằng ý chí, không ít người khuyết tật đã vượt lên mặc cảm, vươn lên từ chính những tật nguyền của cơ thể để sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), chúng ta sẽ cùng đến với câu chuyện sau đây của một người khuyết tật nhưng là chỗ dựa cho không ít những mảnh đời khuyết tật khác. Đó là anh Trần Hữu Học, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Pleiku (nuôi dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật) ở phường Hội Phú, TP.Pleiku.

Bao nhiêu năm nay, đôi nạng này là thứ không thể thiếu và theo từng bước chân anh Trần Hữu Học – Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Pleiku, (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) đến tất cả mọi nơi mà anh muốn tới. Một ngày như mọi ngày, công việc của anh lúc nào cũng tất bật từ sáng sớm đến chiều tối, từ nhà đến xưởng, nơi mà anh đã dồn tất cả tâm trí cũng như sức lực, tiền của để có thể tạo điều kiện giúp đỡ nuôi dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật giống như anh.

Anh  Học chia sẻ: “Mình là người khuyết tật và sau khi cố gắng vượt lên chính bản thân mình rồi thì mình có sự chia sẻ và hình thành nên cơ sở để thu nhận những người đồng cảnh ngộ như mình; tạo cho họ điều kiện về ăn, ở, rồi tìm xem tâm tư nguyện vọng của họ cần gì mình hướng và đáp ứng theo yêu cầu bằng con đường nghề nghiệp để họ có hành trang trong cuộc sống sau này”.

Từ một cơ sở nhỏ dạy nghề sửa chữa xe gắn máy vào những năm 2000, nắm bắt nhu cầu của thị trường, anh chuyển hướng sang làm khung ảnh và dần mở rộng hoạt động sản xuất. Hiện tại, 2 nhà xưởng của trung tâm lúc nào cũng có trên dưới 20 người vừa học nghề, vừa làm thợ. Chung sự thiếu may mắn, nhưng lại đồng cảm, sẻ chia cho nhau những bất hạnh trong cuộc sống của chính những người khuyết tật khi đến với trung tâm càng làm cho anh tin tưởng rằng con đường mình đã chọn và đang đi là đúng, dù biết vẫn còn không ít những khó khăn trước mắt.

Anh Học  cho biết: “Nếu mà nói thuận lợi so với thời gian khởi nghiệp thì nó đã thuận lợi, nhưng mà khó khăn thì vẫn còn chồng chất khó khăn. Hiện tại trung tâm được nhà nước cấp cho 4.000m2 đất ở khu công nghiệp Diên Phú và trăn trở lớn nhất là làm sao xây dựng nơi đó thành 1 trung tâm theo dự án mình đã định sẵn”.

Một công việc cho bản thân để không còn là gánh nặng cho gia đình là điều mà người khuyết tật nào cũng mong ước; thế nên với anh Học, những gì có được như ngày hôm nay là hạnh phúc gấp mười, gấp trăm lần và cứ thế mỗi ngày như được nhân lên. Sẽ không bao giờ ngừng lại như vòng quay của những chiếc máy  khi còn có thể, mà sẽ đồng cảm sâu sắc hơn với những khát khao được sống và làm việc của người khuyết tật; vẫn cố gắng để những mảnh đời cùng cảnh ngộ tìm được nơi nương náu ấm êm.

“Mình cũng mừng là có 1 người vợ cùng chung chí hướng; thành ra khó khổ gì vợ chồng cũng thu vén để vượt qua” anh Học chia sẻ thêm.

Mỹ Tiến,R’Piên


Lượt xem: 57

Trả lời