Nghề dệt thổ cẩm ở Phố núi Pleiku

Cập nhật 09/12/2022, 16:12:08

Dưới tác động mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại, mặc dù bị mai một phần nào đó, nhưng nghề dệt thổ cẩm vẫn còn giữ nguyên giá trị văn hóa truyền thống, chứa đựng nét đẹp về đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng người dân tộc thiểu số. Ở Phố núi Pleiku, trong các buôn làng đồng bào Jrai, Bahnar nay vẫn còn những khung cửi ngày đêm miệt mài dệt lên những sản phẩm đặc sắc, truyền ngọn lửa giữ nghề, truyền nghề cho thế hệ mai sau.

Chị Han năm nay 25 tuổi là con của bà Pel – một nghệ nhân dệt thổ cẩm có tiếng ở làng Phung, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku. Tuổi thơ của chị Han gắn liền với khung cửi. Theo thời gian, tình yêu với văn hóa truyền thống cứ lớn dần trong chị. Giờ đây, chị Han đã dệt thành thạo nhiều mẫu hoa văn khác nhau. Đặc biệt từ nghề dệt thổ cẩm, chị Han có thêm thu nhập cho gia đình.

Chị Han – Làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku cho biết: “Mình yêu thích từ khi mẹ dạy cho mình cách đan vải và cách sắp xếp những bộ quần áo mình thấy yêu thích, xong rồi mình tìm tòi và mẹ dạy cho mình từ cách giăng chỉ, từ khung dệt cho đến cách ngồi, cách dệt, làm nên những hoa văn. Và mình cũng ước mong là sau này con mình cũng sẽ tiếp nối theo nghề truyền thống mẹ mình dạy cho mình”.

Không chỉ có chị Han mà 30 phụ nữ trong Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm ở làng Phung do bà Pel quản lý thu nhập gia đình cũng được nâng cao nhờ biết đến nghề này. Từ khi ra đời, câu lạc bộ trở thành địa điểm sinh hoạt quen thuộc và nơi học nghề dệt của các chị. Dưới sự chỉ dạy nhiệt tình, khéo léo của bà Pel, nhiều sản phẩm thổ cẩm mang đậm bản sắc của người Jrai cứ thế ra đời và được nhiều người biết đến. Đây cũng chính là niềm tự hào của bà Pel-nghệ nhân tâm huyết, mong muốn lưu giữ và phát huy nghề dệt truyền thống nơi buôn làng.

Nghệ nhân Pel – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku chia sẻ:  “Mở câu lạc bộ dệt thổ cẩm là để chị em học hỏi lẫn nhau, để giữ được cái nghề truyền thống, để mà giữ gìn lâu năm, để mình dạy cho chị em, để chị em học dệt, để không quên được cái nghề của mình. Thứ hai nữa để mình làm ra các sản phẩm như cái túi, cái ví, cái móc khóa, với lại quần áo để mình sẽ bán được cho khách hàng, khách du lịch…với lại địa phương khác sẽ biết đến các sản phẩm đó để chị em giữ được nghề”.

Bên cạnh dệt thành thạo các loại váy, áo, hiện nay, nhiều chị em phụ nữ trong các buôn làng ở thành phố Pleiku còn tìm tòi, sáng tạo ra nhiều sản phẩm tiện ích phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng như: móc khóa, ví, túi xách, khăn quàng cổ… Những mặt hàng tuy hiện đại nhưng hoa văn, họa tiết vẫn mang đậm dáng dấp truyền thống của người dân tộc thiểu số.

Chị Ksor Pyiu- Làng Choet 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku nói: “Tôi đã làm nghề dệt này là mười mười mười mấy năm rồi. Tôi cũng đã dạy lại cho các anh chị em bà con ở trong làng để thứ nhất là để lại giữ lại truyền thống của mình, thứ hai là để bà con có thu nhập để giúp được bà con trang trải được cuộc sống mà rồi để sau này có thể dạy lại cho các em nhỏ để giữ gìn bản sắc dân tộc của ông bà hồi xưa để lại cho mình.”

Ở thành phố Pleiku, công tác giữ gìn nghề dệt thổ cẩm được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương dành nhiều sự quan tâm sâu sắc. Theo đó, bên cạnh việc tạo điều kiện cho các nghệ nhân giỏi truyền nghề cho thế hệ trẻ, thành phố Pleiku còn rất chú trọng thành lập các câu lạc bộ, phòng trưng bày để quảng bá và giới thiệu sản phẩm dệt truyền thống đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.

Bà Lê Thị Hoài Phương – Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, TP. Pleiku cho biết: “Ủy ban nhân dân phường cũng rất là quan tâm để duy trì bảo tồn và phát triển nghề dệt. Tiếp nối thành công của lớp dệt năm 2021 thì năm 2022 ủy ban phường tiếp tục cùng phối hợp cùng với các nghệ nhân của phường mở lớp dệt để nâng cao tay nghề cho các chị em. Và bên cạnh đó thì là tranh thủ sự chỉ đạo của Đảng ủy, nâng cao công tác tuyên truyền đối với các đoàn thể và tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan báo chí, các cơ quan truyền thông để  quảng bá cho các sản phẩm dệt của bà con và phường thì cũng tiếp tục  quảng bá sản phẩm ở các địa điểm du lịch, các điểm ẩm thực của phường cũng như là của thành phố.”

Cũng như nhiều nghề truyền thống khác, nghề dệt thổ cẩm sẽ được duy trì và phát triển nếu như vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết truyền nghề, những học viên hăng say học nghề và đặc biệt là sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. /.

 Thanh Vui – Phương Thảo – Bá Bính


Lượt xem: 12

Trả lời