Ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Chín – HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

Cập nhật 08/12/2022, 11:12:09

Sáng nay (ngày 8.12), Kỳ họp thứ Chín – HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước sang ngày làm việc thứ 2. Theo chương trình Kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu khách mời đã chia thành 5 tổ để thảo luận. Nhiều chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2023 đã được các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá sát với tình hình thực tế.

Thảo luận tại tổ trong buổi làm việc sáng nay, các đại biểu thống nhất cao với các chỉ tiêu tỉnh Gia Lai đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; đồng thời khẳng định: Mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19, áp lực lạm phát tăng cao, song với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; sự giám sát, đồng hành của HĐND tỉnh; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp của UBND tỉnh; cùng sự chung sức, đồng lòng của doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn nên đã thực hiện tốt việc phòng chống dịch Covid-19 và kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai trong năm 2022 rất đáng mừng, song nhiều đại biểu băn khoăn về chỉ tiêu đánh giá Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 9,27% so với năm 2021, chỉ tiêu này đã đánh giá đúng thực tế hiện nay của tỉnh?. Lý giải về kết quả này, ngành chức năng của tỉnh đã giải trình thấu đáo.

Ông Nguyễn Hữu Quế – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai nêu: “Trong tốc độ tăng năm 2022 thì tốc độ tăng trưởng của tỉnh là 9,27%, tăng 0,65% thì trong đó khu vực công nghiệp xây dựng là tăng 22,46%, và theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê thì tốc độ tăng trong khu vực này là công nghiệp xây dựng là chiếm 22,46% thì nguyên nhân tại sao thế này thì báo với các đồng chí năm 2022 thì sản lượng điện  ước đạt 11 nghìn 753 triệu KWh, tăng 46% so với cùng kỳ”…..

Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản dù được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và đã thành lập 04 đoàn công tác để tập trung kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; tập trung tháo gỡ khó khăn của từng dự án. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư vẫn còn chậm. Đến ngày 17/11/2022, toàn tỉnh mới chỉ giải ngân được hơn 1.791 tỷ đồng, đạt 49,4% kế hoạch. Trong đó kế hoạch giao mới năm 2022 đã giải ngân hơn 1.622,5 tỷ đồng, đạt 50,2% kế hoạch, vốn ngân sách địa phương năm 2021 chuyển sang năm 2022 đã giải ngân 138,4 tỷ đồng, đạt hơn 35% kế hoạch. Trên cơ sở những nguyên nhân đã được chỉ ra, qua thảo luận, các đại biểu cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành để đảm bảo tiến độ công tác giải ngân trong những năm sau.

Đại biểu Thái Thanh Bình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Gia Lai cho biết: “Về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm có rất nhiều nguyên nhân song trong đó có nguyên nhân là việc giải phóng mặt bằng chậm. Vậy ở đây, chúng ta cần phải làm rõ trách nhiệm thuộc về cấp nào và cần có biện pháp xử lý để đảm bảo cho công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong những năm sau đạt. Đồng thời, khi giải phóng được mặt bằng thì tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện các dự án và đảm bảo được chất lượng công trình”.

Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Gia Lai ước đạt 5.474 tỷ đồng, đạt 101,1% so với dự toán Trung ương giao, đạt 93,9% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Tập trung phân tích rõ kết quả đạt được, cũng như những khó khăn vướng mắc gặp phải, các đại biểu đã đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt 5.910 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Nhựt – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Gia Lai phát biểu: “Qua rà soát thì chúng ta đã trình cho HĐND tỉnh là tiền sử dụng đất chỉ có 1.350 tỷ thôi, hụt mất khoản này là 763 tỷ. Các khoản còn lại là trình HĐND tỉnh là 4.310 tỷ, tăng so với Nghị quyết 77 và cao hơn nghị quyết là 4.295 tỷ. Như vậy nếu trừ tiền sử dụng đất thì dự toán thu nội địa năm 2023 vẫn cao hơn Nghị quyết 77 mà HĐND tỉnh phê duyệt”.

Nhiều ý kiến thảo luận tại các tổ cho rằng HĐND tỉnh cần bổ sung thêm những thuận lợi trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2023, nhất là khi Chính phủ đã triển khai chương trình thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị; đồng thời, cần có giải pháp cụ thể để đảm bảo hoàn thành được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; nhất là đối với các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ lớn. Trong đó, UBND tỉnh cần có kế hoạch tổng quát, cụ thể để giao các sở, ngành thực hiện.

Đại biểu Phan Quang Thái – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Đức Cơ nêu: “ Theo tôi thì UBND tỉnh cần xây dựng một kế hoạch tổng quát trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 trên cơ sở các chỉ tiêu cụ thể của từng sở, ngành tham mưu. Vì khi triển khai thực hiện thì các sở, ngành, địa phương là đơn vị thực thi còn UBND tỉnh nên chỉ đạo chung và trên cơ sở đó đến cuối năm chúng ta đánh giá để đảm bảo cho từng chỉ tiêu một”.

Cùng với đó, các đại biểu cũng kiến nghị UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan cần có giải pháp căn cơ để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách năm 2023 và  cả giai đoạn 2023 – 2025; đẩy mạnh thu hút đầu tư; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; đảm bảo chỉ tiêu trồng rừng; kéo giảm, kiềm chế tai nạn giao thông… Đồng thời, cần đánh giá cụ thể tác động, hiệu quả của các chương trình, dự án được triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số, cùng nhiều vấn đề quan trọng khác./.

Theo chương trình của Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021 – 2026), chiều nay, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận tại tổ. Thông tin chi tiết, chúng tôi sẽ phản ánh trong bản tin tiếp theo./.

 Đoàn Bình – Đức Hải – R’Piên – Thanh Sáng


Lượt xem: 184

Trả lời