Ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Bảy HĐND tỉnh khóa XI

Cập nhật 06/12/2018, 08:12:02

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 5/12 Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XI bước sang ngày làm việc thứ 2 dưới sự chủ trì của các đồng chí: Dương Văn Trang – Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Phan Chung – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, PCT Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H’Bút – Tỉnh ủy viên, PCT HĐND tỉnh.

Trước khi bước vào phiên thảo luận tổ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ tập thể đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề còn tồn tại, hạn chế hiện nay trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; kiến nghị Trung ương có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu; cần tạo bước đột phá phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn, giải quyết nạn “”tín dụng đen” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong phiên làm việc chiều, các đại biểu đã chia thành 6 tổ để thảo luận, đóng góp ý kiến về các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp. Đa số các đại biểu đều đồng tình, đánh giá cao kết quả mà tỉnh đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng trong năm 2018. Đây chính là tiền đề quan trọng để Gia Lai tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2019.

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm đó là công tác cải cách hành chính. Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2017 của tỉnh đứng thứ 43 toàn quốc, tuy tăng 3 bậc so với năm 2016, song tỉnh cần phải có những giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao các chỉ số còn thấp:

Ông Nguyễn Danh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh phát biểu ý kiến: “PCI của tỉnh qua 2 năm vừa rồi thể hiện sự tiến bộ. Điều đó cho thấy tỉnh đã làm rất tốt, rất quyết liệt nhưng trong 10 chỉ số có 2 chỉ số là thể chế pháp lý và gia nhập thị trường luôn luôn bị giảm, chúng ta phải xem 2 chỗ này để nâng PCI”.

Ông Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu: “Như Thủ tướng đánh giá tỉnh thì quyết liệt, nhưng sở, ngành, huyện, cán bộ công chức rất tắc trách trong cải cách hành chính. Tôi rất đồng tình với nhận định này. Chúng ta có cơ chế rồi, nếu cần thiết thì cần phải đánh giá vai trò của người đứng đầu các sở, ngành, UBND các huyện, sự phối hợp giữa ngành và huyện thời gian qua chưa tốt. Tôi đề nghị giao thanh tra tiến hành thanh tra các văn phòng đăng ký đất đai, cần phải làm kỹ và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm”.

Qua đánh giá của các đại biểu cho thấy: Năm 2018, mặc dù công tác quản lý bảo vệ rừng có chuyển biến rõ nét, giảm 153 vụ vi phạm so với năm 2017; Các vụ vi phạm Luật Quản lý và bảo vệ rừng được điều tra xử lý nghiêm, tuy nhiên tỉnh, các sở, ngành liên quan và các địa phương cần triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ để giảm thiểu tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Trước sự manh động của các đối tượng cần phải trang bị thêm phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng ở cơ sở.

 

Về vấn đề này ông Đoàn Bảy – Bí thư Huyện ủy Chư Pah nêu ý kiến: “Bất cập về điều kiện làm việc, công tác của các Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng vì hiện nay điều kiện làm việc khó khăn, thu nhập của nhân viên các Ban Quản lý rừng không cao. Thực tế cho thấy các đối tượng vi phạm rất manh động nên đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ phương tiện làm việc cho nhân viên các Ban Quản lý rừng để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao”.

Đối với việc phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương trong phát triển kinh tế, du lịch, các đại biểu cũng đề xuất nhiều ý kiến, giải pháp trọng tâm:

Ông Nguyễn Tùng Khánh – Giám đốc Sở Ngoại vụ đề xuất: “Tôi đề xuất một số vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế gắn với chế biến vào ứng dụng nông nghiệp. Xác định là tỉnh nông nghiệp  nên chúng ta phải tập trung 1 số ngành công nghiệp chế biến. Lựa chọn trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ đi vào trọng tâm là ngành năng lượng tái tạo, chế biến sâu tạo dựng cơ sở, nguồn lực phát triển cho những năm tiếp theo. Đối với phát triển du lịch tính liên kết chưa cao. Chúng ta phải tạo dựng được 1 vùng liên kết chẳng hạn như ở các vùng phía Đông tỉnh như Kbang, Kông Chro, An Khê để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tỉnh đã có đề án cụ thể  vấn đề là làm sao bảo tồn thiên nhiên, không để phá vỡ, đồng thời tập trung đầu tư phát triển du lịch theo từng vùng”.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đề nghị cần có cơ chế, chính sách tạo sinh kế tốt hơn cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đảm bảo các nhu cầu thiết yếu phục vụ đời sống, sinh hoạt cho người dân:

Ông Nguyễn Duy Anh – Bí thư Huyện ủy Krông Pa cho biết: “Đối với việc giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho trên 15.000 hộ dân ở huyện Krông Pa. Chất lượng nước sinh hoạt tại Nhà máy Phú Túc không đảm bảo, xét nghiệm hàm lượng sắt cao, nước vàng, đục. Nếu khắc phục phải tốn khoảng 4-5 tỷ, do đó kiến nghị tỉnh nghiên cứu hỗ trợ 1 phần để huyện khắc phục khó khăn này, sớm giải quyết vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến nhiều người dân ở thị trấn và các xã lân cận. Đề nghị UBND tỉnh sớm cho ý kiến để Krông Pa thực hiện cổ phần hóa nhà máy nước”.

Trên lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, vấn đề tín dụng đen kéo theo nhiều hệ lụy khó lường ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, năm 2018, tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen, cưỡng đoạt tài sản, siết nợ, bắt giữ người trái pháp luật… có xu hướng tăng. Để giải quyết vấn nạn này cần phải có chế tài đồng bộ, cụ thể của pháp luật, đi đôi với đó là sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân:

Đại tá Phan Thanh Tám – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Công an tỉnh đã kiến nghị Quốc hội, Bộ Công an để  điều chỉnh sửa luật nhằm xử lý nạn “tín dụng đen”. Bên cạnh các biện pháp của Công an thì các cấp, các ngành phải tuyên truyền người dân vì tín dụng đen, vay dễ nhưng trả rất khó và kéo theo nhiều hệ lụy. Khi xảy ra thì người dân phải  tích cực phối hợp với lực lượng Công an để điều tra, xử lý vì thời gian qua, nhiều trường hợp người vay không hợp tác với lực lượng Công an nên khó trong xử lý các đối tượng”.

Liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến xác đáng nhằm hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, ngăn chặn sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là ma túy tổng hợp đang lây lan trong thế hệ trẻ. Đối với lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, đại biểu cũng đề nghị các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng rượu giả, hàng hóa kém chất lượng ở vùng nông thôn. Trước những thiệt hại về kinh tế của các hộ trồng tiêu ở một số huyện trong tỉnh, một số đại biểu đề nghị bên cạnh việc khoanh, giãn nợ cần có cơ chế tạo điều kiện cho người trồng tiêu bị thiệt hại vay mới để khôi phục sản xuất, chuyển đổi sang cây trồng khác… Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng: Tình hình nợ đóng các loại bảo hiểm ngày càng tăng, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Do vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương, UBND tỉnh cần chỉ đạo ngành BHXH, Sở LĐ – TB & XH vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh tra liên ngành để giảm thiểu tình trạng nợ đóng BHXH, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Ngày mai 6/12 là ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI. Theo chương trình làm việc, các đại biểu sẽ thảo luận chung tại hội trường, thực hiện quyền chất vấn và trả lời chất vấn, đồng thời xem xét, cho ý kiến đối với các công việc theo thẩm quyền.

Kim Châu – Thiên Thanh – Thanh Sáng – R’Piên


Lượt xem: 32

Trả lời