Ngày 1/5 nghĩ về việc bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng cho công nhân lao động

Cập nhật 28/4/2018, 19:04:19

Không chỉ chăm lo đời sống mà còn phải giúp công nhân, người lao động nắm bắt tri thức mới, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và đón nhận cơ hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tổ chức vào tháng 1/2018 tại Hà Nội.

Ở Gia Lai, việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi cho người lao động được thực hiện như thế nào, người lao động cũng như các chủ sử dụng lao động đã có sự chuẩn bị gì cho cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0? Nhân ngày Quốc tế lao động (1/5), chúng ta sẽ cùng đề cập đến vấn đề này.

Tỉnh Gia Lai hiện có trên 4.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, những doanh nghiệp này đang giải quyết việc làm cho khoảng 60 ngàn lao động. Qua khảo sát thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng những máy móc hiện đại vào sản xuất để thay thế sức lao động của con người. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động đang đứng trước nguy cơ bị mất việc làm. Đây chính là những thách thức mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đặt ra đối với số đông lao động hiện nay.

Ông Nguyễn Trường Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương Phẩm Atlantic Việt Nam chi nhánh Gia Lai  cho biết: “Theo tôi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho tất cả người lao động, bởi vì nó giúp cho đội ngũ lao động phải phấn đấu hơn nữa nhằm gia tăng năng suất, cải thiện trình độ và kiến thức của mình để theo kịp với xu hướng của xã hội. Đó là động lực để họ phát triển hơn trong thời gian tới”.

Trước yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, tại thời điểm này cùng với cả nước, các cấp công đoàn tỉnh Gia Lai cũng đang đẩy mạnh việc phát huy vai trò của mình trong bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng cho công nhân lao động.

Ông Nguyễn Thanh Đằng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hiệp Lợi Gia Lai cũng nói: “Theo tôi vấn đề CM 4.0 là xu thế chung của cả nước, tuy nhiên máy móc cũng chưa thể thay thế sức lao động nhiều, có nhiều việc vẫn cần sức lao động. Vì vậy ở công ty tôi với vai trò là chủ tịch công đoàn thì tôi cũng vận động anh, em gắn bó với công ty thật lâu và sức lao động của mình bao nhiêu thì mình làm bấy nhiêu”.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, PCT Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai cho biết: “Công nghiệp 4.0 là công nghiệp trí tuệ nhân tạo, máy móc thay thế cho sức lao động của con người nên số lao động phổ thông sẽ giảm dần nên tổ chức công đoàn phải đứng bên người lao động để chăm lo bảo vệ họ. Vì nếu như không may họ mất việc thì họ cũng có được khoản tiền nhất định để sau này họ tiếp tục tạo công việc làm cho mình, đóng góp cho xã hội cũng như lo được cuộc sống cho bản thân”.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì công tác an sinh xã hội cũng đã được các cấp công đoàn của tỉnh Gia Lai thực hiện tốt. Theo đó năm 2017, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 17 nhà “Mái ấm công đoàn” với tổng số tiền 530 triệu đồng. Đặc biệt trong tháng công nhân năm 2018, Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức nhiều chương trình hướng về người lao động như khám sức khỏe miễn phí cho công nhân, lao động; tổ chức lễ tôn vinh lao động giỏi, cán bộ công đoàn xuất sắc; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.…Từ đó giúp người lao động ngày càng làm việc hiệu quả, đáp ứng  nhu cầu thực tế  hiện nay./.

Lệ Xuân, R’Piên


Lượt xem: 37

Trả lời