Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Prông sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29

Cập nhật 02/6/2023, 07:06:33

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, cùng với ngành Giáo dục và Đào tạo các địa phương khác trong tỉnh, công tác Giáo dục và Đào tạo của huyện Chư Prông cũng đã có sự chuyển biến hết sức tích cực, chất lượng giáo dục được nâng lên qua từng năm học.

Dấu ấn nổi bật nhất của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Prông sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 là đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Theo thống kê, đến nay 100% trường học của huyện đều đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trải nghiệm hướng nghiệp và công tác nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của toàn huyện được được tăng dần theo từng năm. Nếu như năm học 2013 – 2014, tỉ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình học chỉ đạt trên 98%, thì đến năm học 2021 – 2022, con số này là 100%. Cũng trong khoảng thời gian trên, toàn huyện chỉ có gần 98% học sinh tốt nghiệp THCS thì nay đã đạt trên 99%.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường TH Lê Hồng Phong, xã Bầu Cạn, huyện Chư Prông nói “Nhà trường thì được chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và điều chỉnh các nội dung dạy học để phù hợp với từng đối tượng học sinh. Ngoài họat động trên lớp thì các hoạt động trải nghiệm của học sinh cũng được nhà trường quan tâm nhiều hơn và tổ chức nhiều hơn để các em được trải nghiệm thực tế, từ đó giúp học sinh được phát huy năng lực của mình nhiều hơn”.

Cô giáo Đỗ Thị Anh Chi – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Ia Bòong, huyện Chư Prông cho biết “Nhà trường đã thống kê được tỉ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS thì có khoảng 85% các em sẽ tiếp tục học THPT hoặc học nghề tại Trung tâm Bồi dưỡng thường xuyên của huyện hoặc học nghề phổ thông. Còn học sinh DTTS sau khi tốt nghiệp THCS thì có khoảng 81,6% các em sẽ tiếp tục đi học”.

Triển khai rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp; thu gọn điểm trường, sáp nhập các trường cũng được ngành GD & ĐT huyện Chư Prông quan tâm thực hiện. Trong 10 năm qua, toàn huyện đã giảm 07 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 53 điểm trường, sáp nhập 04 trường tiểu học vào các trường trên cùng địa bàn. Từ việc sắp xếp mạng lưới trường lớp phù hợp, mà việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị đã có trọng tâm, trọng điểm, tạo được tâm lý phấn khởi cho các giáo viên và học sinh khi được dạy và học trong những ngôi trường khang trang, có đầy đủ trang thiết bị dạy học. Trong 10 năm qua, đã có trên 2.400 tỉ đồng được đầu tư cho sự nghiệp GD & ĐT tại huyện Chư Prông.

Cô giáo Trương Thị Mai – Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Ia Bòong, huyện Chư Prông nói “Tôi rất tự hào khi được dạy trong ngôi trường này từ những ngày đầu tiên và đến nay thấy trường có sự phát triển về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên tôi rất tự hào khi là một giáo viên trực tiếp giảng dạy và công tác tại trường”.

Toàn huyện Chư Prông hiện có 59 cơ sơ giáo dục, trong đó có 02 cơ sở giáo dục ngoài công lập với gần 1.400 cán bộ giáo viên, giảm 3 trường và giảm trên 150 cán bộ giáo viên so với năm học 2013 – 2014. Cùng với giảm quy mô trường lớp và biên chế cán bộ, giáo viên, công tác xã hội hóa giáo dục cũng được tăng cường. Các nguồn lực xã hội, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến sự phát triển GD&ĐT trên địa bàn cũng đã có chuyển biến tích cực.

Bà Phạm Thị Thu Hằng – Trưởng phòng GD & ĐT huyện Chư Prông trao đổi “Đặc biệt, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc chung tay hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là sách giáo khoa cho các thư viện để cho học sinh DTTS mượn trong việc triển khai Chương trình GDPT mới của doanh nghiệp là rất nhiều”.

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết về đổi mới giáo dục ở huyện Chư Prông cho thấy phong trào thi đua học tập để nâng cao năng lực, trình độ, khơi dậy tâm huyết, niềm đam mê sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng trở nên sôi nổi, rộng khắp và hiệu quả. Đây cũng là hành trang, động lực để cùng với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Chư Prông sẽ tự tin triển khai chương trình đổi mới giáo dục trong chặng đường tiếp theo./.

 

Quốc Linh  – Minh Trung


Lượt xem: 6

Trả lời