Nét mới của Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024

Cập nhật 16/4/2024, 06:04:11

2024 là năm thứ 3 sự kiện Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai được tổ chức, với sự tham gia của gần 800 nghệ nhân đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Dù chỉ diễn ra trong 3 ngày (từ 12-14.4), nhưng trong khuôn khổ của Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn được phục dựng, tái hiện, trình diễn… đã tạo nên không gian lễ hội đậm chất buôn, làng Tây Nguyên giữa lòng phố núi Pleiku xinh đẹp. Dấu ấn thành công của Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III năm 2024 là sự đổi mới trong cách thức tổ chức, giúp nghệ nhân – những báu vật nhân văn sống của các loại hình văn hóa, di sản có cơ hội thể hiện, tỏa sáng trước công chúng.

Đêm hội “Sức sống cội nguồn” là chương trình, hoạt động tiêu điểm trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III năm 2024.

10 tiết mục trình diễn trong Đêm hội là những bài diễn tấu cồng chiêng, hát, múa, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, kết hợp trình diễn trang phục dân tộc, trình diễn cà kheo nghệ thuật do chính các nghệ nhân tài hoa đến từ nhiều dân tộc trên địa bàn tỉnh thể hiện. Nhằm tạo sự khác biệt trong cách thức tổ chức, năm nay, Ban Tổ chức đưa thêm một số loại hình văn hóa nghệ thuật mới vào trình diễn, như: Tái hiện không gian biểu diễn chèo (chiếu chèo) – loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo của người Việt…

 Đúng như chủ đề của Chương trình, “Sức sống cội nguồn” xứng đáng là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên vùng đất Gia Lai đại ngàn…

Nghệ nhân Đinh Mích – Xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai chia sẻ: “Đoàn Phú Thiện chúng tôi năm nay tham gia hoạt động phục dựng lễ mừng chiến thắng, tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, trình diễn cồng chiêng, dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ dân tộc. Rất vui hôm nay có mặt tại đây giao lưu với các dân tộc và trình diễn cho khán giả xem.”

Kể từ khi Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ Nhất, năm 2022 được tổ chức, một số địa phương đã có sự thay đổi về quan điểm, phương thức hoạt động, không còn là những cuộc thi dưới ánh đèn sân khấu, trong hội trường có Hội đồng nghệ thuật chấm điểm, đánh giá, xếp loại, mà đã mở ra không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống gần gũi hơn với buôn làng; tạo không gian để bà con vui chơi, sinh hoạt. Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III năm 2024 có sự tham gia của nhiều dân tộc hơn, hình thức thể hiện các loại hình văn nghệ dân gian cũng phong phú và đa dạng hơn… thu hút khá đông du khách và người dân địa phương đến xem và trải nghiệm.

Anh Bruce Dunn – Du khách Scotland bày tỏ: “Tôi rất vui khi tới thành phố Pleiku, Gia Lai dịp này; lại được chứng kiến những lễ hội rất độc đáo của các bạn. Trong một không gian như thế này, mọi người rất gần gũi, thân thiện; âm thanh, sắc màu văn hóa rất độc đáo, khác hẳn với những vùng đất tôi đã đi qua, phải nói là rất thú vị.”

Ông Trần Ngọc Nhung – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH, TT&DL, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III năm 2024 cho biết: “Năm nay chúng tôi làm có những khác biệt hơn so với những năm trước, có thêm hoạt động mới, ví dụ như: Trình diễn trang phục của bà con, chỉnh chiêng, cà kheo, đàn tính… nhiều tiết mục mới hơn so với những năm trước. Hy vọng rằng đây là bước đầu khôi phục lại giá trị văn hóa của từng cộng đồng dân tộc.Ngày hội Văn hóa này trở thành sự kiện hàng năm, Sở xem đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, hết sức trọng tâm và luôn luôn sẽ tìm ra những cái mới trong từng năm một để làm sao thu hút người dân cũng như du khách đến với ngày hội một cách thoải mái, vui vẻ, đem lại giá trị hết sức đích thực cho cuộc sống của mỗi người”

Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III năm 2024 đã khép lại, nhưng những dư âm, dấu ấn thành công của Ngày hội vẫn luôn đọng lại trong lòng các nghệ nhân, người dân và khách du lịch…

Chị Vũ Thị Vân Anh – Du khách Hà Nội phấn khởi nói: “Tôi rất là bất ngờ và sung sướng, nhân dịp du lịch tại TP. Pleiku lại được tham gia vào Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai. Bởi chúng tôi là người Hà Nội, chỉ xem qua trên tivi, đọc sách báo, nay lại được trực tiếp tham gia, tôi thấy lễ hội văn hóa này rất cuốn hút, nên gìn giữ, đó là bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam.”

Nghệ nhân Siu Thưm  – Làng Plei Roh, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku, Gia Lai   bày tỏ: “Tham gia ngày hội hôm nay, bản thân tôi và Đoàn nghệ nhân TP. Pleiku thấy rất vui, được giao lưu, được tìm hiểu các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau, để đoàn kết gắn bó hơn.”

Song Nguyễn – Ksor Tuối


Lượt xem: 16

Trả lời