Nâng tầm nông sản địa phương từ Nghị quyết số 10

Cập nhật 27/4/2023, 07:04:29

Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, Gia Lai đã tạo những đột phá mạnh mẽ, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và bước đầu hình thành các vùng sản xuất, chuyên canh quy mô lớn. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương, Nghị quyết số 10 đang tạo tiền đề nâng tầm nông sản và sức cạnh tranh từ sản phẩm rau, hoa, cây ăn quả- một thế mạnh của địa phương những năm gần đây.

Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, Gia Lai đã phát triển diện tích rau, hoa và cây ăn quả lên trên 30 ngàn ha, tăng gần gấp đôi so với trước. Hiện toàn tỉnh có hơn 29.016 ha cây ăn quả với sản lượng ước đạt 417.192 tấn/năm. Diện tích cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) hơn 19.500 ha, trong đó có gần 9.200 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trong đó hơn 8.500 ha của doanh nghiệp, hơn 617 ha của các hợp tác xã và hơn 40 ha của người dân. Đồng thời, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Đây là cơ sở để các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh từng bước đáp ứng đầy đủ các điều kiện, quy chuẩn khắt khe từ những thị trường khó tính như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn và người dân các địa phương trong tỉnh đều trồng các loại cây ăn quả như: sầu riêng, bơ, mít, xoài, nhãn, cam, bưởi da xanh, chanh dây, dứa, chuối… với quy mô không ngừng được mở rộng.

Ông Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK rau quả DOVECO Gia Lai nói: “Sau hơn 3 năm đầu tư, hiệu quả đầu tư vượt xa kì vọng của chúng tôi. Theo kế hoạch trong 5 năm sẽ hoàn thiện 3 giai đoạn, nhưng nay chúng tôi đã đạt được mục tiêu này. Đây cũng là nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND đã đồng hành, tạo điều kiện cho chúng tôi….”

Ngoài ra, Gia Lai đã được cấp 99 mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực như: chuối, chanh dây, sầu riêng, mít… với tổng diện tích hơn 6.800 ha; 24 mã cơ sở đóng gói với tổng công suất khoảng 665-795 tấn quả tươi/ngày. Tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Toàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp và 32 hợp tác xã đầu tư phát triển cây ăn quả với diện tích gần 9.200 ha. Tỉnh cũng đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm rau quả với công suất lớn/năm. Trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm trái cây sấy dẻo và sấy giòn quy mô nhỏ của các hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Sản phẩm từ các cơ sở không ngừng được nâng tầm tiêu chuẩn, đáp ứng với yêu cầu của những thị trường khó tính Châu Âu.

Bà Đỗ thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm,  Mang Yang cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi đã được liên kết và cấp mã vùng trồng. Thực hiện đúng quy chuẩn của bên đối tác khó tính với sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Chúng tôi cũng đã đẩy mạnh liên kết và thắt chặt quy trình trồng và sản xuất hữu cơ từ nông dân, từng bước thay đổi phương thức sản xuất của người nông dân.”

Đối với các loại rau, hoa cây cảnh, cuối năm 2022 toàn tỉnh Gia Lai đạt gần 35 ngàn ha, tăng hơn 7.700 ha so với 3 năm trước, tốc độ tăng bình quân đạt 5,4%/ năm. Các loại hoa, cây cảnh khá thích nghi với điều kiện đất đai và khí hậu nên sinh trưởng và phát triển tốt, cho chất lượng hoa đẹp. Nhờ tổ chức, phát triển được các tổ hợp tác, tiến tới kinh tế tập thể, ngành nghề rau, hoa, cây cảnh cũng đã đáp ứng được nhu cầu về việc làm tại chỗ, ổn định đời sống của phần lớn người dân vùng nông thôn. Cùng với đó, các địa phương tăng cường hoạt động xúc tiến, liên kết các doanh nghiệp, kết nối người tiêu dùng, mở rộng thị trường để sản phẩm rau, hoa phát triển đúng định hướng.

Ông Đỗ Văn Hùng, Chủ nhiệm Nông hội hoa- cây cảnh An Khê nói: “Nông hội chúng tôi có tổng thu khoảng 2,5 tỷ đến 3 tỷ/ năm. Bình quân thu nhập là 70 triệu hội viên, tết vừa rồi bình quân cũng được gần 100 triệu. Nếu phát triển đơn lẻ thì mạnh ai nấy sống, bán phá giá làm hỗn loạn thị trường phân phối. Khi vào nông hội, nông hội đứng ra làm đầu mối giúp bà con kết nối và bán sản phẩm hợp lý.”

Ông Huỳnh Văn Hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết: “Thế mạnh của Đak Pơ là các loại rau củ quả. Chúng tôi cũng tăng cường quảng bá, tham gia những sự kiện như hội chợ, triển lãm như thế này với mong muốn tìm được nhiều đầu mối để liên kết tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, nhất là những sản phẩm tiêu chuẩn, sản phẩm OCOP mà địa phương đang xây dựng.

Hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 10, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của tỉnh không ngừng tăng qua mỗi năm. Nếu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4,7 triệu USD, năm 2021 đạt 77,5 triệu USD. Và cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tỉnh Gia Lai đạt 120 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay. Rau- hoa- cây ăn quả đang trở thành thế mạnh của vùng và không ngừng được nâng tầm, chiếm vị trí quan trọng trong tái cơ cấu kinh tế nên nông nghiệp địa phương.

Ông Phan Vĩnh Tấn – Trưởng phòng Kinh tế Thị xã An Khê trao đổi: “UBND Thị xã đã ban hành quyết định về tái cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển hợp tác xã, triển khai các hạng mục của đề án phát triển rau, hoa, quả. Nhờ đó thu nhập của người dân vùng nông thôn tăng đáng kể. Nhiều mô hình, dự án hữu cơ về cây trái được mở rộng quy mô, đem đến cho địa phương nền kinh tế nông nghiệp hiệu quả hơn. Thu nhập đầu người tăng lên 42 triệu đồng/ người/ năm. Việc đầu tư của thị xã đã đem lại hiệu quả nền kinh tế của nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững trong dân.”

Theo Đề án “Phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040”, tỉnh Gia Lai phấn đấu mở rộng diện tích cây ăn quả lên khoảng 55.000 ha vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 90.000 ha và định hướng đến năm 2040 đạt khoảng 100.000 ha. Tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ một số loại cây ăn quả. Tỉnh cũng đang kêu gọi nhiều dự án nhà máy chế biến sâu, gắn với vùng nguyên liệu để đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng các nhu cầu của thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…Cùng với đó, khai thác tiềm năng phát triển cây ăn quả và đang phấn đấu trở thành “thủ phủ” cây ăn quả trong tương lai

Minh Lý – Viễn Khánh


Lượt xem: 16

Trả lời