Năng động phát triển kinh tế với nhiều giống cây trồng vật nuôi mới

Cập nhật 06/6/2016, 13:06:16

Song song với các đề án ứng dụng khoa học của các ngành chức năng, hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn huyện Chư Sê đã chủ động tìm đến nhiều giống cây trồng vật nuôi mới phù hợp với điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế. Không chỉ tập trung vào cây tiêu, cà phê, xu hướng mới này  đã góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi của huyện đồng thời thực hiện đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp để hướng đến phát triển kinh tế bền vững.  

 

Mô hình này chủ động được nguồn thức ăn xanh sẵn có ở địa phương và thức ăn tinh bột nên rất tiện

Tình hình thời tiết cực đoan như thời gian vừa qua đã gây nhiều thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp,  ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người nông dân. Tuy nhiên, anh Lê Minh Hoàng ở thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê Vẫn khá yên tâm với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm của mình với mô hình nuôi thỏ. Bên cạnh niềm đam mê đối với việc chăn nuôi, thì yếu tố không phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, chủ động được quá trình sản xuất của bản thân là một trong những nguyên nhân thúc đẩy anh Hoàng lựa chọn nuôi thỏ ngoại.

Anh Hoàng cho biết: “Các giống thỏ mới này có nhiều ưu điểm lắm. Bản thân tôi đã học hỏi kinh nghiệm ở sách báo và nhiều anh chị đi trước để áp dụng. Mô hình này mình chủ động được nguồn thức ăn xanh sẵn có ở địa phương và thức ăn tinh bột nên rất tiện”…

 Anh Hoàng đã lựa chọn 2 giống ngoại: Newzeland và California do có nhiều ưu điểm hơn so với thỏ bản địa như: khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, khả năng kháng được nhiều bệnh, ăn được nhiều loại thức ăn, chịu nắng nóng tốt… Nhờ đó, thời gian qua đàn thỏ từ 450 đến 500 con của  anh luôn phát triển ổn định dù cho thời tiết nắng hạn kéo dài. Hiện nay, Hoàng  đang tiếp tục đưa vào nuôi thử, lai và nhân  rộng giống thỏ Bướm của Pháp với nhiều ưu điểm nổi trội hơn.

           Hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số vật nuôi quen thuộc, nhất là ít chịu tác động từ diễn biến thất thường của khí hậu hiện nay đang là tiêu chí được nhiều người nông dân trên địa bàn huyện Chư Sê chú trọng khi lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi mới để phát triển kinh tế. Đó cũng là lí do anh Đặng Châu ở xã Ia Blang lựa chọn dê lai Bách Thảo để mở rộng chăn nuôi.

Anh Đặng Châu, Thôn 6, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai nói: “Việc nuôi dê lai bách thảo khá đơn giản, đến nay thì chưa có vấn đề gì xảy ra. Dê này chịu hạn tốt. Thu nhập mang lại từ nuôi dê khá cao. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nhân rộng giống dê này”…

     Để khuyến khích, hỗ trợ người dân, nhất là ĐVTN địa phương trong quá trình phát triển kinh tế cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Chư Sê đã triển khai nhiều giải pháp khuyến nông thích hợp cả về vốn lẫn kỹ thuật để người dân mạng dạn hơn khi lựa chọn các loại giống cây trồng vật nuôi mới.

Anh Rơ Lan Thoa, Bí thư Huyện đoàn Chư Sê cho biết: “Trong quý I, Huyện đoàn đã giải ngân hơn 400 triệu cho ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế. Cùng với đó, huyện đoàn cũng tuyên truyền, phối hợp với trạm khuyến nông, phòng nông nghiệp huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn KH-KT về các giống cây trồng vật nuôi mới cho ĐVTN”…

        Thực tế cho thấy, việc lựa chọn đúng các giống cây trồng, vật nuôi mới với năng suất, chất lượng cao thì người nông dân khá yên tâm do nhu cầu tiêu thụ của thị trường khá lớn, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để người dân mạnh dạn và yên tâm áp dụng thì các ngành chức năng cần có sự vào cuộc nhằm định hướng đúng đắn về quy trình kỹ thuật, quy mô sản xuất để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm./.

Ngô Thanh – Xuân Huy


Lượt xem: 207

Trả lời