Nâng cao ý thức sử dụng còi xe khi tham gia giao thông

Cập nhật 23/3/2016, 13:03:57

Hiện nay tại nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và nhiều khu vực nội thị, tình trạng các phương tiện giao thông sử dụng còi không đúng quy định, nhất là còi hơi xảy ra khá phổ biến làm ảnh hưởng đến người đi đường. Ngoài việc gây ô nhiễm tiếng ồn thì đây còn là nguyên nhân gián tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.

 

Có mặt tại nhiều cột đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn thành phố Pleiku, khi đèn đỏ, mặc dù các phương tiện giao thông phải dừng, nhưng các xe ở phía sau vẫn bóp còi liên tục và inh ỏi, như thúc giục các xe ở phía trước phải vượt đèn đỏ. Tương tự, tại các vòng xuyến, vào giờ tan tầm mật độ xe dày đặc, các phương tiện phải di chuyển khá khó khăn, tuy nhiên những tiếng còi xe đủ loại vẫn như châm vào tai người xung quanh, dù chẳng có ý nghĩa hoặc giải quyết được gì.

Tình trạng sử dụng còi xe không đúng quy định còn thường xuyên diễn ra trên những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nơi có nhiều xe cơ giới, xe khách… Để buộc các phương tiện khác phải chú ý và nhường đường, nhiều chủ xe sẵn sàng trang bị thiết bị còi hơi có âm lượng vượt quá mức cho phép. Thay vì góp phần trật tự trong giao thông, thì tiếng còi xe lại là nguyên nhân gây ô nhiễm âm thanh, tiếng ồn quá mức, thậm chí là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông

Ông Đỗ Minh Tâm, Phường Tây Sơn, TP Pleiku, Gia Lai cho biết: “Âm thanh lớn của còi xe trong thành phố thì rất dễ làm cho chúng tôi giật mình, chẳng hạn chúng tôi đang đi trên đường khi còi xe bóp mà quá lớn thì tôi giật mình và lạc tay lái tôi nghĩ cần có những ký hiệu nào đó để các lái xe sử dụng đúng nơi đúng chổ để những người lưu thông trên đường hay những người đi bộ trên đường”.

 

Theo điểm B, khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 171, ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: “Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định…”. Tuy nhiên hiện nay, các lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm về còi xe do còn thiếu thiết bị đo âm lượng nên không thể xử phạt theo cảm quan mà phải tuân theo các chứng cứ, số liệu cụ thể. Tại nhiều khu vực có lưu lượng xe ô-tô qua lại, việc xử phạt không phải đơn giản vì rất dễ xảy ra ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, hệ thống biển báo cấm còi cũng không mấy hiệu quả do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Chính vì thế tình trạng sử dụng còi hơi sai quy định vẫn diễn ra thường xuyên.

Ông Lê Mười, Phường Tây Sơn, TP Pleiku, Gia Lai kiến nghị: “Các lực lượng chức năng xem xét những tình trạng mà người sử dụng còi hơi còi to không đúng quy định,  khi mà người dân chúng tôi khi đi trên đường thì rất dễ gây ra tai nạn giao thông …”

Để khắc phục tình trạng "loạn còi", ngoài việc xử lý nghiêm các trường vi phạm, thì các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm khi sử dụng còi của người dân khi tham gia giao thông. Khi đó ý thức sử dụng còi của người dân sẽ được nâng cao. Tiếng còi sẽ trở về đúng chức năng vốn có là cảnh báo, bảo vệ an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông./

Tiến Huy- Đặng Trà


Lượt xem: 111

Trả lời