Nâng cao thu nhập nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Cập nhật 10/1/2018, 10:01:49

Xã Kon Gang là 1 trong 4 xã vùng 3 của huyện Đak Đoa. Đời sống, kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, vì vậy trong những năm gần đây xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Những giống cây trồng có năng suất được thay thế, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Những quả cam mọng nước, những cây cam đang cho thu hoạch được trồng trên mảnh đất vốn khô cằn từng trồng lúa, trồng ngô nhưng không có năng suất. Với suy nghĩ dám nghĩ dám làm, anh Nguyễn Thành Trung, làng Kop, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa đã mạnh dạn đầu tư trồng gần 400 cây cam. Từ kinh nghiệm học hỏi và qua thực tiễn, anh ghép để cây cho quả sớm hơn. Sau gần 3 năm chăm sóc, 200 cây cam đang cho thu bói với sản lượng 4 tấn. Với giá hiện nay, mỗi kg cam có giá 50 ngàn giúp gia đình có thu nhập hơn trước. Bên cạnh đó, anh còn trồng giống ổi cho trái quanh năm để gia đình có thu nhập thường xuyên hơn.

Anh Trung cho biết: “Chỉ mới là bước đầu tiên nhưng cũng thấy có triển vọng hơn trồng mấy cây kia vì bấp bênh. Bây giờ không làm màu nữa chuyển sang trồng ổi vì lấy chi phí cho cam, ổi, chi phí cho gia đình, đàn tạm ổn không như trước làm màu.”

Không chỉ gia đình anh Trung mà hiện nay nhiều người dân trên địa bàn xã Kon Gang, huyện Đak Đoa đang dần chuyển đổi diện tích kém năng suất sang trồng một số cây trồng hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn xã. Qua thực tế cho thấy, người dân chuyển sang một số loại cây ăn trái như cam, quýt, ổi, bưởi… mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Chính vì vậy, chính quyền xã đang thành lập tổ hợp tác để người dân tham gia hỗ trợ nhau về cây giống, kinh nghiệm trồng và chăm sóc. Đó là nền tảng để người dân mở rộng diện tích, hướng đến xây dựng cây ăn trái có múi mang thương hiệu Kon Gang.

Anh Phạm Hồng Dũng, Cán bộ Nông nghiệp xã Kon Gang, huyện Đak Đoa nói:  “Mô hình mới thành lập, người đi trước giúp đỡ người đi sau, về kỹ thuật chăm sóc, áp dụng các biện pháp để giảm thiểu bệnh tật, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật đem lại sản phẩm sạch. Sau này tính thành lập tổ hợp tác và lấy thương hiệu Cam Kon Gang , cam sạch. Chương trình nông thôn mới thì Kon Gang cũng đăng kí mỗi xã mỗi sản phẩm, xã cũng đăng kí cam, quýt, cây có múi sạch.”

Hiệu quả từ thực tế đem lại đã chứng minh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng đắn. Với việc chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất đã giúp người dân cải thiện đời sống cũng như góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.

Thúy Diện, Đặng Trà


Lượt xem: 67

Trả lời