Nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng sâu

Cập nhật 04/1/2024, 16:01:24

Việc sinh đẻ tại nhà có rất nhiều nguy hiểm, sản phụ phải vượt cạn một mình, không được hỗ trợ, chăm sóc y tế, nguy cơ xảy ra các tai biến sản khoa là rất lớn. Nguy hiểm là vậy, nhưng vẫn còn nhiều phụ nữ ở các thôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có thói quen sinh con tại nhà. Trước thực trạng tỷ lệ sinh con tại nhà, tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh còn cao, tỉnh Gia Lai đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tranh thủ nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án tài trợ, tạo động lực quan trọng từng bước thay đổi nhận thức, nâng cao sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào DTTS.

Đê Ar là xã vùng 3 còn nhiều khó khăn của huyện Mang Yang, nơi đây đa phần phụ nữ người Ba Na chọn cách sinh đẻ tự nhiên tại nhà, đối mặt với rất nhiều rủi ro. Từ thực tế trên 85% phụ nữ trên địa bàn xã sinh con tại nhà, nhiều người thiếu kiến thức về chăm sóc thai kỳ, hành trình vận động từ bỏ tập tục lạc hậu sinh con tại nhà không hề dễ dàng, và những cô đỡ thôn bản như H’Nhách chính là cánh tay nối dài không thể thiếu của trạm y tế xã ở vùng đặc biệt khó khăn này trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Chị ANhen – Làng Ar Quat, xã Đê Ar, huyện Mang Yang bày tỏ: “Mình mang thai 8 tháng rồi. Nghe chị H’Nhach hướng dẫn, mình đến trạm y tế khám tiêm phòng, lấy thuốc sắt về uống. Lúc nào sinh thì mình lên trạm y tế sinh.”

Chị Liêm – Làng Ar Quat, xã Đê Ar, huyện Mang Yang nói: “Lúc mang thai mình có lên trạm y tế để khám. Khi sinh thì mình lên bệnh viện huyện sinh để được an toàn cho mình và con mình.”

Chị H’Nhach – Cô đỡ thôn bản xã Đê Ar, huyện Mang Yang chia sẻ: “Ở đây tôi thường đỡ trong làng, ở làng khác, xã khác nữa như xã Đak Trôi tôi cũng qua đỡ đẻ dù họ cần mình ban đêm tôi cũng vẫn đi.  Một số chị em họ không muốn đi tôi vẫn phải đến nhà nếu không đẻ được ở nhà tôi tư vấn họ đi bệnh viện.”

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Mang Yang, năm 2023 địa phương có 5 trường hợp tử vong sơ sinh, 1 tử vong mẹ. Các trường hợp tử vong sơ sinh hầu như không đi khám thai tại cơ sở y tế. Thay vì tìm đến các cơ sở y tế, nhiều phụ nữ ở các địa bàn vùng sâu vùng xa vẫn lựa chọn hình thức sinh con tại nhà. Thông qâu Dự án do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam và Quỹ MSD for Mothers tại Việt Nam hỗ trợ thực hiện với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ vùng khó khăn, giúp đồng bào DTTS có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tốt hơn.

Chị Lê Hồng Sâm – Trạm Y tế xã Đê Ar, huyện Mang Yang cho biết: “Đê Ar là xã vùng 3 vùng đặc biệt khó khăn với sự hỗ trợ của dự án UNFPA trong năm qua xã chúng tôi thực hiện được các dự án. Hiện tăng cường côn tác truyền thông cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tổ chức khám phụ khoa, có chương trình hỗ trợ cho phụ nữ đi sinh con tại các cơ sở y tế. Qua các dự án, các chị em có những thay đổi tích cực hơn, số ca đi sinh tại cơ sở y tế đã tăng hơn so với năm ngoái. Năm 2022 số phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế chỉ 12 người, năm nay con số này là 25 người, tăng 50%.”

Chị Nguyễn Thị Thủy – Trung tâm Y tế huyện Mang Yang trao đổi: “Năm 2024 dự án tiếp tục duy trì 2 xã cũ và tiếp tục triển khai ở xã Ayun, Hà Ra và Kon Chiêng. Các nội dung chủ yếu vẫn là khám phụ khoa, khám thai, KHHGĐ, tăng cường công tác truyền thông sức khỏe sinh sản cho người dân, đặc biệt là lưa tuổi vị thành niên trong trường học.”

Phụ nữ khỏe mạnh sẽ sinh con khỏe mạnh. Phụ nữ mang thai hãy khám thai định kỳ ít nhất 4 lần và sinh đẻ tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Những nỗ lực trong công tác truyền thông thay đổi hành vi là yếu tố quyết định để thay đổi nhận thức của phụ nữ vùng sâu vùng xa, từng bước xóa bỏ hủ tục tự sinh con tại nhà, nâng cao kiến thức và thực hành chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Kim Châu – Minh Trung


Lượt xem: 10

Trả lời