Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS

Cập nhật 23/2/2018, 14:02:01

Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc, trong thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú ở vùng sâu, vùng xa nhằm huy động học sinh ra lớp, đảm bảo công tác duy trì sĩ số. Nhờ vậy, chất lượng dạy học ngày càng được nâng cao rõ rệt. Ghi nhận ở huyện Chư Pah.

Với đặc thù là trường thuộc xã vùng 3, 100% học sinh là người Banah, song trường Mầm non Ia Ka, huyện Chư Pah luôn đảm bảo duy trì sĩ số học sinh đạt 99% trở lên. Để đạt được kết quả này, nhà trường xem công tác huy động học sinh ra lớp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Cùng với đó, luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị dạy học, duy trì việc dạy học 2 buổi/ngày có kết hợp với mô hình bán trú dân nuôi.

Cô Nguyễn Thị Bích Thảo, Giáo viên Trường Mầm non Ia Ka, huyện Chư Pah cho biết: “Giáo viên chúng tôi thường thực hiện là sẽ kết hợp với phụ huynh, vận động họ thường xuyên cho trẻ đi học, đến lớp mọi hoạt động như văn học, truyện thơ và các hoạt động trong các giờ học là đều phải tăng cường tiếng Việt cho trẻ; mọi lúc mọi nơi, kể cả ngoài sân trường”.

Đối với bậc Tiểu học, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã triển khai nhiều hình thức dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt, dạy 2 buổi/ngày; áp dụng mô hình bán trú dân nuôi với hình thức và phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương nên thu hút được đông đảo học sinh ra lớp. Đặc biệt, Ban giám hiệu các trường đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, trưởng thôn, già làng để vận động phụ huynh cho con em đến lớp.

Cô Nguyễn Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường TH Ia Ka, huyện Chư Pah cho biết: “Hằng năm nhà trường đảm bảo duy trì sĩ số học sinh đạt 100%. Với phương châm nhà trường quán triệt đến tất cả các giáo viên là phải thật sự nhiệt tình; mỗi giáo viên khi đến lớp phải tạo được hứng thú cho học sinh đi học”.

Thầy Phạm Quang Long, Phó Trưởng phòng GD &ĐT huyện Chư Pah cho biết: “Chúng tôi phối hợp giữa 3 yếu tố: gia đình, nhà trường và xã hội để có sự giúp sức của cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh như làm góc học tập ở nhà. Đối với học sinh mầm non phụ huynh cũng ủng hộ phong trào bán trú dân nuôi để học sinh có nhiều thời gian sinh hoạt ở trường”.

Quy mô trường, lớp cơ bản được ổn định, các điều kiện đảm bảo cho dạy và học hàng năm được đầu tư, bổ sung; môi trường sư phạm được cải thiện, thu hút học sinh đến trường. Đó là điều kiện để ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pah tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, trong đó ngành đang hướng tới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm./.

Bích Thủy, Xuân Huy


Lượt xem: 43

Trả lời