Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số

Cập nhật 07/10/2023, 09:10:57

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số được xem là giải pháp quan trọng để giảm nghèo bền vững tại Gia Lai. Những năm qua, hoạt động này luôn được các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện hiệu quả, góp phần từng bước nâng cao tay nghề, cải thiện đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS.

Rơ Châm Thước năm nay 20 tuổi, đang theo học nghề cắt gọt kim loại năm thứ 2, Khoa Cơ Khí xây dựng, hệ Cao đẳng, Trường Cao Đẳng Gia Lai. Hàng ngày, ngoài một số giờ lên lớp học lý thuyết, phần lớn thời gian của em và các học viên giành để làm việc, thực hành ngay tại xưởng. Trực tiếp làm quen với máy móc, thiết bị hiện đại dưới sự hướng dẫn cụ thể của giảng viên, những học viên như Rơ Châm Thước đã tự tin hơn với nghề của mình, với những định hướng rất rõ ràng và tự tin vào tương lai.

Em Rơ Châm Thước, xã Ia Phí, Chư Păh, Gia Lai chia sẻ: “Em học nghề này cũng mong muốn được giới thiệu vào làm tại các doanh nghiệp. Hoặc sau này có được nghề, tự mình nuôi sống gia đình.”

Cũng như Rơ Châm Thước, hơn 80% học viên là người đồng bào DTTS đang học tập tại đây có chung một mong ước về nghề nghiệp. Đáp ứng nhu cầu của học viên, Trường Cao đẳng Gia Lai thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo, gắn với công tác liên kết với doanh nghiệp, tạo nguồn lao động có tay nghề cần thiết, đáp ứng với nhu cầu thị trường. Nhà trường được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phê duyệt đào tạo 9 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia và 1 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN. Chương trình, nội dung đào tạo nghề được điều chỉnh theo hướng thiết thực, phù hợp với đối tượng sinh viên và tình hình thực tế nhằm phát triển năng lực người học, rèn luyện kỹ năng thực hành, kỹ năng khởi nghiệp cho học viên. Nhà trường cũng đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra, tích hợp các nội dung đào tạo một cách hợp lý về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp; biên soạn chương trình đào tạo theo phương pháp phân tích nghề, dạy nghề theo mô đun. Đặc biệt, nhà trường liên kết với trên 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trực tiếp tư vấn, đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp và trực tiếp tham gia cùng đào tạo, học việc cho lao động, sau khi tốt nghiệp có thể vào làm việc tại doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Quyên, Giảng viên Nghề May Thời trang, Trường Cao Đẳng Gia Lai nói: “Học viên lớp may của mình hầu hết là con em đồng bào DTTS. Các em được học và thực hành trên máy, được cắt may những sản phẩm vừa truyền thống vừa có tính thời trang. Sau này các em có thể ra làm nghề, mở tiệm may đo, hoặc tham gia ở các nhà máy, công ty dệt may công nghiệp. Nói chung rất là linh động và thực tế, gắn với sở thích của nhiều em.”

Bình quân mỗi năm, Trường Cao Đẳng Gia Lai đào tạo chính quy từ 1000- 1500 học viên gồm cao đẳng, trung cấp và sơ cấp và hơn 4000 lao động nông thôn hệ thường xuyên theo chương trình Mục tiêu quốc gia. Tỷ lệ học viên sau đào tạo có việc làm khá cao, trong đó có những nghề thuộc nhóm kĩ thuật đạt 100% học viên được nhận vào làm việc ngay. Đặc biệt, chất lượng, tính kỉ luật, chuyên nghiệp của lao động được nâng lên, khắc phục những nhược điểm phổ biến của đối tượng nguồn nhân lực người DTTS.

Thạc sĩ Phạm Văn Điều, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai trao đổi: “Đối với học viên người DTTS, chúng tôi thực hiện các chế độ ưu đãi nhiều mặt theo quy định của Nhà nước. Rất nhiều ngành nghề các em được miễn phí, hoặc giảm đến 70% học phí. Được ăn ở tại trường, với phương thức đào tạo được đổi mới, hướng mở. Đặc biệt, cái nhược điểm lớn nhất của lao động đồng bào DTTS là tính kỉ luật chưa cao, tính chuyên nghiệp chưa có, chỉ muốn làm gần nhà, không muốn đi xa…chúng tôi tập trung vào đào tạo, khắc phục những hạn chế này để khi ra trường các em đủ yếu tố cần thiết vào làm tại những môi trường công nghiệp chuyên nghiệp. Và doanh nghiệp thì không mất thời gian đào tạo lao động.”

Đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động, nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm là nhiệm vụ cần thiết đặt ra trong công tác giảm nghèo hiện nay ở mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả những mô hình gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với với doanh nghiệp chính là hướng đi năng động, linh hoạt cần có ở mỗi cơ sở giáo dục nghề, đáp ứng với thị trường lao động theo từng vùng, miền hiện nay.

Minh Lý – Huy Toàn


Lượt xem: 5

Trả lời