Một số bài học từ thực tiễn khi thực hiện Chỉ thị 12

Cập nhật 27/2/2019, 14:02:04

Sau 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 12 của BTV Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bộ mặt, đời sống của người dân ở 28 làng được chọn làm điểm ở các địa phương đã có nhiều khởi sắc, đổi thay đáng mừng. Kết quả này có được là nhờ công tác chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự chung tay đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

Làng Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được chọn triển khai làm điểm về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo yêu cầu, công cuộc kiến thiết lại bộ mặt, đời sống, sản xuất của người dân phải làm lại gần như toàn bộ. Trong khi đây là chủ trương mới, được triển khai lần đầu nên gặp nhiều khó khăn, bỡ gỡ. Song với sự quan tâm, hỗ trợ đắc lực của các cấp, ngành và đặc biệt là sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương mà việc xây dựng làng nông thôn mới ở làng Pông đã thành công. Rồi sau đó, huyện Phú Thiện đã tiếp tục hoàn thành xây dựng làng nông thôn mới ở làng Hek.

Ông Đỗ Ngọc Thành – Bí thư Huyện ủy Phú Thiện cho biết: “Đề án mới, với cách làm, bước đi mới, chưa có tiền lệ, vì vậy quá trình thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Huyện ủy đã tìm tòi bước đi để tổ chức thực hiện. Qua tổ chức thực hiện, chúng tôi có thể khẳng định rằng, việc xây dựng nông thôn mới trong vùng DTTS có thành công hay không thì trước hết là vai trò của cấp ủy trong định hướng chính trị, trong lãnh đạo, chỉ đạo, trong huy động lực lượng, trong kiểm tra, giám sát”.

Và một trong những yếu tố quyết định để thực hiện thành công làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chính là sự đồng thuận, ý thức tự lực vươn lên của chính bà con dân làng. Qua 1 năm thực hiện Chỉ thị 12 đã có trên 17.600 m2 được hiến, hàng nghìn ngày công bà con tham gia đã góp phần quan trọng trong xây dựng làng nông thôn ới ở các địa phương.

Bà Cam Thị Ngọc – Trưởng làng Kdâu, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang cho biết: “Tổ chức họp, lấy ý kiến nhân dân và tuyên truyền vận động nhân dân hiểu được những lợi ích của làng sau khi được chọn làm làng nông thôn mới thì bà con của làng hưởng ứng rất là nhiệt tình. Đầu tiên là con đường bê tông của làng dài 700m thì 2 bên đường bà con đều tự tháo dỡ hàng rào, giải tỏa mặt bằng, rồi còn đóng góp thêm 47 triệu đồng để cùng làm. Và làng cũng đã làm được rất nhiều công trình với sự đóng góp của toàn thể bà con nhân dân. Ví dụ như làm hàng rào nhà văn hóa, nhà vệ sinh, và tới đây là làm nhà để xe”.

Cùng với sự đồng thuận thống nhất cao của bà con nhân dân thì sự tham gia hỗ trợ đắc lực của các đơn vị quân đội trong việc hỗ trợ ngày công, kinh phí … đã giúp rất nhiều cho các địa phương trong xây dựng làng nông thôn mới. Quân đội đồng hành xây dựng nông thôn mới đã được thể hiện rất cụ thể, hiệu quả cao là một kinh nghiệm phối hợp rất quý, đáng nhân rộng trong xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới đây.

Thượng tá Phan Văn Phú, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty 72, Binh đoàn 15 chia sẻ: “Khi chủ trương của huyện về xây dựng làng NTM kiểu mẫu của huyện thì chúng tôi vừa là trách nhiệm của mình vừa là tình cảm và chúng tôi nghĩ là giúp dân là tự giúp mình và đối với bà con là phải nói thật, làm thật và có hiệu quả nên chỉ trong 1 thời gian ngắn khi có chủ trương của xã để xuất công ty hỗ trợ tham gia xây dựng làng Sơn thì chúng tôi tập trung nhiều hơn cả về công sức, tiền bạc và huy động các tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ tham gia hàng nghìn ngày công và hàng trăm triệu đồng giúp cho làng Sơn xây dựng NTM”.

Và yếu tố vô cùng quan trọng đó là thống nhất, quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các đồng chí thường xuyên đi thăm, kiểm tra và đôn đốc, chỉ đạo, động viên,  kịp thời tháo gỡ những khó khăn  phát sinh trong quá trình  triển khai xây dựng làng nông thôn mới ở các địa phương. Và chính từ đó, các địa phương có sự tập trung cao độ hơn và quyết tâm hơn trong thực hiện. Đây là yếu tố quyết định cho sự thành công của việc xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đánh giá: “Qua 1 năm thực hiện cho thấy 1 bài học kinh nghiệm hết sức quan trọng trong việc triển khai làng nông thôn mới là ở địa phương nào có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu thì ở đó thực hiện tốt việc xây dựng làng nông thôn mới; và làng nông thôn mới đó sẽ sớm đạt chuẩn”.

Những bài học, kinh nghiệm sẽ tiếp tục được bàn luận rõ hơn trong Hội nghị  sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU,  ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, sẽ được tổ chức tại huyện Phú Thiện vào ngày  28/2 chắc chắn sẽ giúp cho các địa phương khắc phục được những tồn tại, hạn chế và có thêm nhiều cách làm hay trong xây dựng làng nông thôn mới những năm tiếp theo. Để từ đó, bộ mặt nông thôn, cuộc sống của bà con ở các thôn, làng  đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi thay, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới và cho sự phát triển chung của tỉnh nhà./.

 Đức Hải, R’Piên

                                                                                                        


Lượt xem: 54

Trả lời