Mở rộng đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội

Cập nhật 06/3/2018, 14:03:49

Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghề ở khối kỹ thuật, những ngành nghề mà xã hội đang rất cần, tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai các nghề dịch vụ có thể tự tạo việc làm tại địa phương như xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, may, chế biến món ăn … cũng bắt đầu được chú trọng mở rộng và thu hút khá đông học viên là người dân tộc thiểu số theo học.

Nghề chế biến món ăn đang là lựa chọn của không ít bạn trẻ. Đây là 1 trong những nghề có nhu cầu tuyển dụng cao và dễ kiếm việc làm. Hiện nay, hệ thống các nhà hàng, khách sạn, quán ăn ngày càng mở rộng, đem đến những cơ hội lớn về việc làm, nhiều cơ hội kinh doanh cho các  bạn trẻ khi theo học nghề này.

Em Alân – Lớp Chế biến món ăn, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai cho biết: “Em học cao đẳng sư phạm nhưng không có việc làm, em cũng có đam mê bên nấu ăn nên khi nghe nhà trường có tuyển sinh nấu ăn em đăng ký học ở đây. Em ước mơ mở một nhà hàng lưu động phục vụ tiệc cưới.

Cô Dương Thị Ngọc Linh– Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai cho biết: “Trong thời gian 13 tháng các em được học chế biến món ăn gia đình, món ăn tiệc, món bánh. Du lịch ngày càng phát triển, tại các khu du lịch, tại các nhà hàng, nhu cầu tuyển dụng rất là lớn nên khả năng các em học ra xin việc rất cao. Đặc biệt nghề này ra trường ngoài việc làm đầu bếp cho các nhà hàng thì các em có thể tự mở nấu tiệc ở nhà  hoặc tự mở những tiệm bánh nhỏ”.

Năm đầu tiên Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai mở 2 lớp trung cấp chế biến món ăn và lớp may thời trang đã có 48 học viên theo học. Tham gia khoá đào tạo nghề, các em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được miễn học phí, ngoài ra 1 tháng còn được hỗ trợ trên 1 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Điều – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai cho biết: “Nhà trường đã có định hướng đào tạo nghề phục vụ ngay cho địa phương. 2 nghề chế biến món ăn và may sau khi mở ra năm thứ nhất số lượng học sinh theo học khá đông. Trong thời gian tới nhà trường sẽ mở thêm một số nghề nữa, những nghề đó khả năng các em có việc làm tại địa phương sau khi ra trường các em có thể tự mở cơ sở riêng của bản thân, tạo việc làm cho các em sau này”.

Mở mới một số ngành nghề phù hợp với đặc thù của địa phương được xác định là hướng đi mới trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Vấn đề cần quan tâm là phải làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh để các em xác định rõ việc chọn trường, chọn nghề phù hợp với sở thích, khả năng và nhu cầu xã hội./.

Kim Châu – Lê Thư- Duy Linh

 


Lượt xem: 54

Trả lời