Mô hình trường học bán trú – Giải pháp duy trì sỹ số học sinh, nâng cao chất chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS

Cập nhật 18/4/2016, 11:04:22

Trong mấy năm học qua, bên cạnh chú trọng thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động do Bộ Giáo dục & Đào tạo phát động, Ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đã thực hiện mô hình trường dân tộc bán trú tại một số địa phương – Đây được xem là giải pháp hàng đầu để duy trì sỹ số học sinh cũng như nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các trường, nhất là ở địa bàn vùng khó, vùng sâu, vùng xa, vùng  DTTS… Ghi nhận tại trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hà Đông, huyện Đak Đoa.

 

 Mô hình trường học bán trú ra đời với nhiều chính sách ưu việt đã khắc phục được những khó khăn và góp phần duy trì sỹ số học sinh đến lớp

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hà Đông, trước đây là trường tiểu học xã Hà Đông được đổi tên ngày 26/6/2013, trường có 828 học sinh. Năm học 2015-2016, trường có 287 học sinh tham gia học bán trú, theo quy định, 1 tháng các em được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% lương cơ bản và 15kg gạo, số tiền và gạo hỗ trợ không quá 9 tháng/ 1 năm học… Phải nói rằng, là xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ người DTTS chiếm đến 99%, có những buôn, làng cách xa trường học 20 đến 30 km, điều kiện đi lại còn khó khăn, cách trở, có nơi cái ăn chưa no, cái mặc chưa đủ ấm thì việc cho con em theo học cái chữ ở đây với người dân cũng chưa mấy mặn mà. Chính vì lẽ đó, mô hình trường học bán trú ra đời với nhiều chính sách ưu việt đã khắc phục được những khó khăn trước đây, trở thành một trong những giải pháp cứu cánh, góp phần duy trì sỹ số học sinh đến lớp, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học cho nhà trường…

Thầy Tống Văn Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Hà Đông, huyện Đak Đoa cho biết: “Tham gia học bán trú, mỗi em học sinh một tháng được 460.000 đồng. Với điều kiện Nhà nước hỗ trợ đã góp phần rất lớn cho trường chúng tôi nâng cao chất lượng dạy học. Hiện nay điều kiện cơ sở vật chất cũng đã tương đối ổn định, còn đường xá đi lại, 2014 trở về trước đường từ huyện vào xã còn là đường đất, một số giáo viên kể cả biên chế và hợp đồng thì họ bỏ, kể từ khi có con đường kể cả giáo viên hợp đồng cũng mong bám trụ lại ở đây”.

Dẫu vẫn còn những khó khăn phía trước, nhưng không thể kể hết niềm vui trong ánh mắt, nụ cười của các em học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hà Đông khi các em được bố trí ăn học, ngủ nghỉ tại trường… Đối với các em, mỗi ngày đến trường giờ đây không chỉ đơn thuần là một ngày vui mà còn là những trang nhật ký sinh động ghi nhớ công ơn dạy dỗ của thầy, cô giáo và trên hết là sự quan tâm của các cấp, các ngành khi đã ưu tiên đầu tư thực hiện mô hình trường học bán trú tại địa phương…

Em Mía, h/s lớp 4, trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, Gia Lai chia sẻ:  Ở đây, sáng 5h 30 em dậy tập thể dục, đánh răng, rửa mặt, ăn sáng rồi lên lớp. Chiều 2h em đọc sách, em rất thích học tập ở ngôi trường này, được học tập và ăn ở cùng các bạn, em rất vui.

Còn đối với các bậc phụ huynh, giờ đây họ có thể yên tâm gửi con, em mình vào học tại trường mà không phải mang lên nương, lên rẫy mỗi mùa thu hoạch, tập trung lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

Sau khi đưa mô hình trường học bán trú vào hoạt động, trong 2 năm học qua, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hà Đông luôn đảm bảo duy trì sỹ số học sinh đạt từ 95% trở lên, chất lượng giáo dục cũng có nhiều chuyển biến tích cực…/.

 

Song Nguyễn – Quốc Linh – Viễn Khánh


Lượt xem: 321

Trả lời