Mô hình trồng hồng đẳng sâm ở K.Bang

Cập nhật 26/3/2019, 08:03:58

Hồng đẳng sâm được xem là loại dược liệu quý, hiện nay loại cây này đang được một số đơn vị nghiên cứu để phát triển thành vùng nguyên liệu tại Gia Lai theo hướng thương phẩm nhằm phục vụ thị trường. Mô hình đã được triển khai thí điểm tại xã Sơn Lang, huyện K.Bang và bước đầu cho thấy phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng địa phương.

Mô hình trồng thí điểm cây dược liệu  hồng đẳng sâm rộng 5 sào của gia đình anh PhạmVăn Xây, ở thôn Suối U, xã Sơn Lang, huyện K.Bang. Mô hình được triển khai từ dự án “trồng đẳng sâm thương phẩm” do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp  huyện K.bang hỗ trợ thực hiện từ tháng 11/2018. Hiện nay vườn cây đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển tốt,  phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương.

Anh PhạmVăn Xây- Xã Sơn Lang, huyện K.Bang, Gia Lai cho biết: “Trước khi triển khai trồng loại cây này thì tôi và một số hộ trong huyện được đi tập huấn và thăm mô hình trồng hồng đẳng sâm ở Kon Tum. Tham gia trồng thì được nhà nước hỗ trợ mọi thứ, mình chỉ tốn công thôi. Mới đầu trồng thử nghiệm nhưng thấy ở đây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, lá xanh, cây phát triển rất tốt”.

Được xem là loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, theo tính toán, sau 18 đến 24 tháng trồng, người dân sẽ thu khoảng 500 kg đẳng sâm/ 1 sào, với giá bán 500 ngàn/ kg khô. Cây hồng đẳng sâm có thể trồng trên rẫy cạnh những khe nước, cũng có thể trồng trong vườn nhà. Kỹ thuật trồng, chăm sóc khá đơn giản, rất phù hợp với phương thức canh tác của đồng bào.

Anh Nguyễn Văn Ngọc- Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện K.Bang, Gia Lai cho biết: “Tham gia dự án, người dân được đơn vị chúng tôi hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật… Để chọn lựa được nguồn giống phù hợp, mô hình dự án đã đưa giống đẳng sâm ở Ngọc Linh, Kon Tum về trồng thử và đang phát triển tốt. Hiện nay Trung tâm đang tiếp tục nhân rộng mô hình, đồng thời nghiên cứu thêm một số loại cây dược liệu khác phù hợp với thời tiết và vùng đất địa phương để cho bà con mở rộng phát triển đem lại thu nhập kinh tế cao”.

K.Bang là địa phương có nhiều dược liệu quý dưới tán rừng. Từ lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết, cùng với việc nhân rộng mô hình trồng hồng đẳng sâm, hiện nay huyện K.Bang đang tiếp tục triển khai một số dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nhằm bảo tồn được các chủng loại dược liệu quý; đồng thời mở ra hướng mới trong chuyển đổi cây trồng phù hợp với phương thức canh tác của đồng bào tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế gia đình cho người dân./.

Ngọc Ánh, Thanh Sáng


Lượt xem: 635

Trả lời