Mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học: Đòn bẩy để tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cập nhật 29/4/2023, 09:04:05

Với nhiều nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh hỗ trợ, huyện Đak Pơ thực hiện các mô hình khuyến nông, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học, đã góp phần chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, các mô hình, dự án đã trở thành đòn bẩy để tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp của huyện theo hướng bền vững trong thời gian tới.

Heo đen là loại vật nuôi đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển giống heo đen vùng đồng bào dân tộc thiểu số được huyện Đak Pơ triển khai trên địa bàn 03 xã gồm: Yang Bắc, An Thành và Ya Hội, với 18 hộ tham gia, tổng kinh phí gần 450 triệu đồng. Hiện nay, đàn heo đã phát triển ổn định, bắt đầu sinh sản và nhân đàn. Việc phát triển đàn heo đen thành thương phẩm đã nâng cao giá trị hàng hóa, tạo thu nhập cho người nuôi và hướng đến mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP.

Anh Đinh D’Rung – Làng Kuk Đak, xã An Thành, huyện Đak Pơ nói: “Trước đây Trung tâm hỗ trợ giống heo đen của đồng bảo dân tộc thiểu số hồi xưa, mình nuôi để phát triển đàn heo ở làng, thứ 2 khi được Trung tâm hỗ trợ 5 con, 1 heo đực, 4 heo nái. Qua quá trình mình nuôi thì nó đẻ được 2 lứa, hiện tại tổng đàn heo đươc 17 con, bữa cũng bán được 2 con.”

Không những thực hiện các mô hình chăn nuôi mà trong những năm qua, các mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học triển khai trên địa bàn huyện Đak Pơ đều được nông dân quan tâm và nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước tạo sự thay đổi nhận thức và tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tạo bước chuyển biến về sản xuất thâm canh có áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Theo đó: Từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp hàng năm, vốn sự nghiệp Khoa học Công nghệ và vốn Chính sách bảo vệ phát triển đất trồng lúa, từ năm 2015 đến nay, huyện Đak Pơ đã triển khai 16 mô hình, dự án. Các mô hình, dự án được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chủ yếu về giống, vật tư, chi phí tập huấn hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hội thảo đầu bờ để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, phần còn lại do hộ thực hiện mô hình đóng góp,… Kết quả, các mô hình, dự án đã đạt được mục tiêu đề ra và cho thấy hiệu quả trong giai đoạn triển khai thực hiện.

 Anh Lê Văn Hiệp – Thôn An Định, xã Cư An, huyện Đak Pơ nói: “Cây na đang thời điểm cho ra trái, trước có trái nhưng hái bói thôi, nay mới vô mùa chính. Làm nông thấy xu hướng người ta làm gì mình cũng cố gắng làm theo, hơn nữa trái cây giá của hiện tại cũng đạt hơn những cây khác, đầu tư vô cây ăn trái nhiều hơn.”

Bà Trương Thị Thiên Lý – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ trao đổi: “Định hướng trong thời gian tới Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp sẽ tham mưu cho huyện tập trung vào một số loại cây trồng và vật nuôi, thế lực của địa phương. Ví dụ như là cây nhãn, hiện nay phát triển diện tích khá lớn, sắp tới sẽ tham mưu những dự án cây nhãn phát triển dự án để phát triển thương hiệu của địa phương. Thứ 2 về vât nuôi như con bò, thương hiệu gắn liền là con bò Hà Tam, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tham mưu tập trung thương hiệu bò, thứ 3 là con heo đen trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.”

Các mô hình khuyến nông, dự án đã giúp nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp không nhỏ vào tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Đak Pơ. Đây sẽ là nền tảng để huyện Đak Pơ tiếp tục xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản xuất các sản phẩm chủ lực có chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp kinh tế đa giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường gắn với chuyển đổi số, kinh tế thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu

Thúy Diện – Minh Trung


Lượt xem: 4

Trả lời