Mạnh dạn tìm hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng

Cập nhật 23/4/2022, 08:04:22

Thay vì tiếp tục trồng cây mía, cây mì thì trong những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đak Pơ đã mạnh dạn chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như na dai, quýt, ổi, chanh, mít…lợi ích kinh tế mang lại từ việc chuyển đổi cây trồng mới bước đầu đã mang lại niềm vui cho người nông dân.

Gần 3 năm dịch bệnh Covid – 19 kéo dài, gia đình ông Võ Ngọc Minh ở thôn 2, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ vẫn có được nguồn thu nhập ổn định từ 2 héc ta chanh tứ quý. Với giá bán dao động từ 12 ngàn đồng đến 20 ngàn đồng/kg chanh, sau khi trừ chi phí gia đình ông Minh đã thu về khoảng 20 triệu đồng/sào chanh.

Ông Minh nói: “Cây chanh tứ quý có trái quanh năm, gần như ngày nào mình cũng có thu không nào là không, ít nhất là một ngày cũng kiếm được vài trăm, còn lúc rộ lên có khi một ngày vài triệu cho nên lúc nào gia đình mình cũng có thu hết”.

Chanh tứ quý trồng khoảng hơn 2 năm là có thu, một năm thu được 4 đợt. Trong khi đó, loại cây trồng này cũng không đòi hỏi quá cao về kỹ thuật chăm sóc nên so với các loại cây trồng khác, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đak Pơ đang mở rộng diện tích trồng chanh tứ quý và một số loại cây ăn trái khác.

Chị Bùi Thị Chi, Chủ tịch Hội nông dân xã Hà Tam, huyện Đak Pơ cho biết: “Trên Quốc lộ đi vào khu sản xuất của xã Hà Tam hiện tại bà con chuyển đối rất là nhiều cây ăn trái. Hiện tại có 6 hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã chuyển đổi 25 ha cây ăn trái. Việc chuyển đổi cây ăn trái trên địa bàn xã rất mạnh, ngay từ đầu bà con chuyển đổi rất hiệu quả, tăng thu nhập hơn so với các loại cây trồng khác”.

Trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao luôn là bài toán khó đối với người nông dân. Vì vậy sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc liên kết các nhà đầu tư đối với những cây trồng được xem là chủ lực của địa phương cũng như một số loại cây trồng mới như cây ăn trái chính là khâu quan trọng giúp người nông dân của huyện Đak Pơ có thể yên tâm về đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Nhỏ, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Đak Pơ trao đổi: “Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ huyện ủy thì tổ chức Hội nông dân đã tiến hành tuyên truyền, vận động bà con nông dân theo xu hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vừa rồi tổ chức Hội nông dân trong huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Hoàng Kim – Hà Nội vào liên kết với HTX Dịch vụ và Nông nghiệp của xã An Thành tiến hành triển khai cây chanh không hạt với quy mô ban đầu mới triển khai được 35 ha, sau khi liên kết sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Cây chanh này phát triển phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con nhân rộng cũng như phối hợp với công ty đảm bảo đầu ra cho nó ổn định trong thời gian đến”.

Trên cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển cây ăn quả theo tinh thần Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2040. Theo đó, mục tiêu từ nay đến năm 2025, huyện Đak Pơ phấn đấu phát triển mới 300 ha cây ăn quả và sẽ tăng lên 500 ha cây ăn quả vào năm 2030. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường liên doanh, liên kết giữa các nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu./.

Lệ Xuân, Phi Long


Lượt xem: 20

Trả lời