Lưu giữ báu vật của buôn làng

Cập nhật 10/1/2020, 14:01:37

Trong lúc văn hóa cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ bị mai một thì tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Chiêng, huyện Mang Yang, nhiều gia đình đang nỗ lực gìn giữ, bảo vệ từng bộ cồng chiêng để những báu vật này sống mãi với các buôn làng nơi đây.

Gần 70 mùa rẫy, dù đôi chân không còn nhanh nhẹn, cặp mắt cũng không còn tinh anh, nhưng cứ nói đến cồng chiêng là ông Hip lại phấn chấn, vui vẻ hẳn. Niềm đam mê với cồng chiêng đã ngấm vào tâm hồn ông. Đối với ông, bộ cồng chiêng được ông cha để lại chính là tài sản vô giá của gia đình. Những lúc rảnh rỗi ông thường lấy ra lau chùi và hướng dẫn cho con cháu cách đánh các bài chiêng.

Ông Hip, Làng Đăk Gla, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai kể lại: “Hồi đó gia đình mình khổ lắm, bố mẹ chết để lại bộ cồng chiêng căn dặn mình đừng có bán hãy giữ lại đó, mình chết thì để lại cho con cháu. Ai mượn thì mình cho mượn, làng mình có ai chết thì cho mượn. Có người thích cồng chiêng bảo mình bán 20 đến 30 chục triệu nhưng mình không bán để lại cho con cháu”.

Còn với gia đình ông Rơih, bộ cồng chiêng 50 năm tuổi, 18 chiếc do bố mẹ ông để lại được xem như báu vật và được cất giữ rất cẩn thận, chỉ mỗi lần làng có lễ hội thì gia đình mới cho mượn.

Ông Rơih, Làng Ktu, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai chia sẻ: “Bộ chiêng này gia đình tôi cất giữ cẩn thận sợ kẻ trộm đánh cắp, bộ chiêng do cha mẹ để lại. Nên nó quý lắm”.

Xã Kon Chiêng huyện Mang Yang có trên 75% dân số là người Bahnar. Qua thống kê, hiện trong xã còn lưu giữ được 24 bộ cồng chiêng. Dù trong thời gian qua nạn chảy máu cồng chiêng đã diễn ra ở nhiều buôn, làng song bà con Bahnar ở xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, luôn gìn giữ những bộ cồng chiêng để bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Ông Đinh Yet – Làng Ktu, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi giữ bộ cồng chiêng này để dành cho ngày lễ, đồ vật này là đồ cổ quý nhất của ông cha để lại có từ trước đây. Cho nên hôm nay quyết tâm cùng làng và gia đình cương quyết cắt cẩn thận giữ cho được bộ cồng chiêng đó. Bộ cồng chiêng này là báu vật của truyền thống dân tộc mình”.

Chính từ việc gìn giữ chồng chiêng của đồng bào Bahnar ở xã Kon Chiêng đã góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Để âm thanh của những tiếng cồng, tiếng chiêng sẽ vang mãi khắp núi rừng Tây Nguyên và trường tồn mãi với thời gian./.

Đức Hải – CTV Ngọc Kim (Huyện Mang Yang)


Lượt xem: 49

Trả lời