Luôn khắc ghi lời dạy của Bác về Đại đoàn kết các dân tộc

Cập nhật 19/4/2018, 14:04:19

Cách đây tròn 72 năm (ngày 19/4/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư đến Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku. Nội dung Thư chứa đựng những tình cảm vô cùng chứa chan về sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ kính yêu đối với đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam và đặc biệt là thể hiện tư tưởng, giá trị to lớn về tinh thần Đại đoàn kết các dân tộc – yếu tố mang tính quyết định đến thắng lợi của cách mạng trong mọi thời đại. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn khắc ghi lời dạy của Bác để quy tụ và phát huy sức mạnh Đại đoàn kết các dân tộc trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Với tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc và luôn khắc ghi lời dạy về đại đoàn kết các dân tộc, Thư của Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam cách đây tròn 72 năm được khắc lên bia đá, đặt ở vị trí trang trọng tại Trụ sở Tỉnh ủy và Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku. Tinh thần Đại đoàn kết giữa các dân tộc “đều là anh em ruột thịt”, “Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau” thể hiện trong Thư luôn lấp lánh giá trị, đó là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và Nhân dân ta. Vinh dự được nhiều lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian học tập tại Trường Dân tộc Trung ương ở Gia Lâm – Hà Nội, vợ chồng ông Đinh Klum – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai luôn thấm thía lời dạy ấy của Bác đã thành chân lý sáng ngời.

Ông  nói: “Mỗi lần đến thăm cán bộ, giáo viên, học sinh của trường, Bác Hồ đều căn dặn đồng bào các dân tộc phải thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi lần kết thúc buổi nói chuyện, Bác đều bắt nhịp cả hội trường hát Bài ca Kết Đoàn. Bản thân tôi luôn luôn học tập và nêu gương Bác, luôn phấn đấu để xứng đáng là đảng viên tốt”.

Với 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44,7%, trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Gia Lai luôn đặc biệt chú trọng đến công tác tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đồng thời thực hiện tốt công tác dân tộc. Tích hợp nhiều chính sách và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình như: 135, 168, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới… tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và hỗ trợ người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng cải thiện sinh kế, sản xuất hiệu quả, nâng cao đời sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể qua từng năm, hiện còn 13,34%, có 49 xã trong tỉnh đã  đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Kpă Đô – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong những năm qua, với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, việc triển khai công tác dân tộc ở tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật nhất là việc triển khai Chương trình 135 từ năm 1999 đến nay với hai hợp phần chính là xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất đã mang lại hiệu quả cao, đời sống của nhân dân ở vùng sâu vùng xa ngày càng được cải thiện”.

Đồng bào các dân tộc ở tỉnh Gia Lai luôn thực hiện lời dạy của Bác được thể hiện trong Thư: “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau…”, “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Anh Ksor Hlưn, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, Gia Lai nói: “Ở làng, người Kinh và người Jrai sinh sống xen kẽ với nhau. Người Kinh và người Jrai luôn đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, cùng thi đua lao động sản xuất. Người dân trong xã rất tự hào vì xã đã đạt chuẩn nông thôn mới”.

Ông Nguyễn Thành Nuôi – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cũng cho biết: “Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh tập trung triển khai tốt các phong trào thi đua và các cuộc vận động như Cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong vùng dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác đấu tranh chống lại các âm mưu đen tối gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch”.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách về Đại đoàn kết các dân tộc theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nên đã tạo tiền đề và động lực thúc đẩy công cuộc kiến thiết và xây dựng tỉnh Gia Lai đạt được những thành tựu rất quan trọng, quốc phòng- an ninh luôn được giữ vững. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh luôn biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu, “kề vai sát cánh”, “chung lưng đấu cật”, đã đóng góp to lớn cho cách mạng và góp sức dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Hà Đức,R’Piên, Minh Trí

                                                                                                              


Lượt xem: 92

Trả lời