Lữ đoàn pháo phòng không 234 kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập

Cập nhật 01/5/2023, 17:05:20

Sáng nay (1/5), Lữ đoàn pháo phòng không 234 (Quân đoàn 3) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập đơn vị (1/5/1963-1/5/2023). Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Trung tướng Thái Văn Minh – Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu; Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 3; Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn – Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân đoàn 3 cùng đại diện lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, địa phương.

Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của Lữ đoàn pháo phòng không 234 qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Theo đó, để làm thất bại âm mưu đưa Miền Bắc trở về “thời kỳ đồ đá” bằng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 01 thành lập Trung đoàn cao xạ dã chiến 57 mm (tiền thân của Lữ đoàn Pháo phòng không 234 ngày nay). Ngày 1/5/1963, tại thôn Bảo Sơn, xã Hạnh Phúc, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc  Trung đoàn chính thức được thành lập. Từ tháng 7 năm 1965 đến năm 1972, Lữ đoàn đã chiến đấu bảo vệ Thủ đô và cơ động chiến đấu trên 18 tỉnh miền Bắc. Tháng 1/1973, Lữ đoàn được lệnh cơ động vào chiến trường B3, có nhiệm vụ bảo vệ vùng giải phóng ở các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum và Đak Lak. Trong chiến dịch Tây Nguyên, Lữ đoàn đã liên tục chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành từ Đức Lập qua Buôn Mê Thuột dọc đường 21 đến Nha Trang, Cam Ranh. Vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Lữ đoàn đã bắn rơi 37 máy bay các loại của địch trong đó có 13 chiếc rơi tại chỗ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn được Quân đoàn giao nhiệm vụ cơ động từ Cam Ranh về Đông Nam bộ chiến đấu trong đội hình Binh chủng hợp thành chi viện cho Sư đoàn 10 làm nhiệm vụ thọc sâu chiến dịch đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó phát triển đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Ngụy. Trong 18 ngày cơ động chiến đấu ác liệt, Lữ đoàn đã đánh 27 trận, đánh 150 tốp với 230  lượt máy bay của địch, bắn rơi 3 chiếc máy bay, cùng các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giải phòng miền Nam thống nhất đất nước. Sau khi đất nước thống nhất, ngoài việc bảo vệ vững chắc vùng trời Tây Nguyên, Lữ đoàn 234 còn tích cực giúp đỡ các địa phương xây dựng chính quyền, truy quét FULRO, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cơ động ra bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1987, Lữ đoàn trở lại Tây Nguyên, mảnh đất ghi dấu bao chiến công của đơn vị. Những năm qua, Lữ đoàn đã cử hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ chính quyền và người dân các huyện: Chư Pưh, Đak Đoa, Ia Grai, Chư Prông xây dựng nông thôn mới, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao và Nhân dân tin yêu, quý mến. Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn 234 đã vinh dự được Bác Hồ 2 lần đến thăm; Lữ đoàn và 1 đại đội vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và nhiều Huân chương, phần thưởng cao quý khác, qua đó góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Lữ đoàn: “Có lệnh là đi, có địch là đánh, đã đánh là thắng”./.

Thiên Thanh – Bá Bính


Lượt xem: 6

Trả lời