Lối ra nào cho sản phẩm Vietgap?

Cập nhật 26/1/2018, 13:01:09

Sản phẩm đạt chất lượng Vietgap, nhất là nông sản thường mang lại sự an tâm không nhỏ đối với người tiêu dùng. Chính vì thế, hiện nay, nhiều nông dân đã quyết định xây dựng cho mình một hướng đi riêng trong phát triển nông nghiệp sạch, cụ thể là tiêu, cà phê, rau màu… Tuy nhiên, tìm được lối ra cho sản phẩm Vietgap vẫn là điều không ít trăn trở cho các cơ quan chuyên môn, nhất là với từng hộ nông dân quyết tâm theo đuổi mô hình này.

Đầu tư trồng 1,5 ha cà phê theo hướng Vietgap, ông Hoàng Xuân Thủy ở xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ hi vọng sản phẩm sẽ được thị trường đón nhận tích cực. Bởi lẽ, tất cả các quy trình trồng, chăm sóc đến bảo quản đều thực hiện theo đúng quy chuẩn và nhất là có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ chuyên môn. Tuy nhiên, vụ thu hoạch năm nay, ông quyết định phơi khô và cất vào trong kho 7,4 tấn cà phê nhân. Lý do đơn giản đó là giá cà phê Vietgap bán ra chỉ hơn 500đ/kg so với cà phê thông thường, quá thấp so với công, chi phí bỏ ra.

Ông Hoàng Xuân Thủy – Xã Ia Krêl, Đức Cơ nói: “Người lao động làm ra sản phẩm thì yêu cầu lớn nhất vẫn là giá cả đầu ra. Nhưng giá trị sản phẩm đầu ra hiện nay vẫn không không hơn giá bình thường và không có gì hấp dẫn. Cụ thể là sau khi thực hiện mô hình, sản phẩm có rồi nhưng doanh nghiệp vẫn chưa đến thu mua, giá vẫn không tăng và không có sự chênh lệch, vẫn như các hộ dân khác”.

Huyện Đức Cơ là địa phương đầu tiên ở tỉnh Gia Lai xây dựng được mô hình trồng, chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn Vietgap, diện tích 100ha theo quy mô tổ hợp tác với 60 hộ nông dân tham gia. Đây là sự cố gắng rất lớn của chính quyền huyện Đức Cơ nhằm đưa sản phẩm đảm bảo chất lượng tiêu thụ ngoài thị trường đồng thời bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Tuy nhiên hiện nay, sau khi sản phẩm đã có mặt thì giá cả và nhất là tiêu chuẩn cà phê sạch vẫn còn không ít vướng mắc, thậm chí nhiều doanh nghiệp tự đặt ra chuẩn sản phẩm cho riêng mình.

Ông Nguyễn Quốc Tư – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Đức Cơ cho biết: “Tiêu chuẩn Vietgap do Bộ NN&PTNT ban hành và chúng tôi thuê đơn vị tư vấn, các chuyên gia tư vấn, thẩm định cà phê đạt chuẩn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại chưa mặn mà và đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn Vietgap khiến nông dân rất khó khi đáp ứng tiêu chuẩn của họ”.

Theo thống kê, sản lượng cà phê đạt tiêu chuẩn Vietgap trên địa bàn huyện Đức Cơ đang ở con số 350 tấn. Nhưng hầu hết nông dân đều không bán ra thị trường vì giá còn thấp và bị ràng buộc bởi một số quy định về chất lượng sản phẩm. Chính điều này gây không ít trăn trở cho nông dân và cả chính quyền, cơ quan chức năng địa phương về lối ra cho sản phẩm cà phê sạch mang tiêu chuẩn Vietgap?

Thu Thủy , Đặng Trà

 


Lượt xem: 58

Trả lời