Lợi ích kép từ mô hình dệt thổ cẩm của phụ nữ xã Ia Yok

Cập nhật 22/5/2020, 08:05:54

Không hoạt động đơn lẻ, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở nhiều làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tập hợp nhau lại để thành lập câu lạc bộ, tổ dệt thổ cẩm. Cùng trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề để tạo ra sản phẩm ngày càng có chất lượng cũng như cùng tìm đầu ra cho sản phẩm, các mô hình dệt thổ cẩm này đang góp phần mang lại sức sống mới cho thổ cẩm khi mang lại lợi ích kép cả về kinh tế lẫn giá trị văn hóa truyền thống. Ghi nhận tại tổ dệt thổ cẩm làng Bồ, xã Ia Yok, huyện Ia Grai.

Thay vì mỗi người tự dệt, tự tiêu thụ sản phẩm như trước đây, nhiều năm trở lại đây, nhiều phụ nữ người Jrai ở làng Bồ, xã Ia Yok đã tập hợp lại thành 1 tổ dệt thổ cẩm của làng. Dưới sự quan tâm và giúp đỡ của Hội LHPN xã Ia Yok cũng như các cấp ngành, tổ dệt đã thực sự trở thành nơi sinh hoạt đầy hữu ích cho những người phụ nữ nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai.

Bà Rơ Châm Oi, Làng Bồ, xã Ia Yok, huyện Ia Grai cho biết: “Tôi dệt vải lâu rồi và cũng tham gia tổ dệt vải được 4, 5 năm rồi. Tham gia vào tổ dệt này có rất nhiều lợi ích vì tôi dệt được nhiều hơn và có thêm thu nhập để chi tiêu cho cuộc sống gia đình”.

Đến nay tổ dệt thổ cẩm làng Bồ có 9 thành viên, đa số đều đã có tuổi và có thâm niên hàng chục năm đối với nghề. Có tổ chức tập hợp, nhờ đó, việc xây dựng thương hiệu cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm của chị em được dễ dàng và thuận lợi hơn. Thay vì chỉ dệt vào những lúc nông nhàn, sản phẩm chủ yếu để phục vụ cho bản thân và gia đình vào những dịp đặc biệt hoặc lễ hội thì giờ đây, dệt thổ cẩm đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho không ít người với bình quân mỗi chị  3, 4 bộ sản phẩm/tháng. Để sản phẩm dễ dàng được tiêu thụ trên thị trường, các chị em trong tổ cũng trao đổi, học hỏi và sáng tạo ra nhiều mẫu dệt, hoa văn mới.

Chị Rơ Châm H’Li nói: “Khi tham gia vào tổ dệt tôi cảm thấy rất vui vì mình vừa được dệt vải theo truyền thống văn hóa của dân tộc mình lại vừa có thêm thu nhập. Trước đây mình dệt ít nhưng giờ đây mình dệt nhiều và thường xuyên hơn vì tổ cũng thường xuyên có đơn đặt hàng”.

Chị Rơ Châm H’Panh – Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Yok là một trong những người đứng ra thành lập tổ dệt thổ cẩm làng Bồ. Là thành viên nhỏ tuổi nhất và cũng nhiều tâm huyết nhất, chị H’Panh là chiếc cầu nối giữa tổ dệt với các cấp Hội LHPN để từ đó nhiều cơ hội về quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm dệt đã mở ra. Nhờ đó, sau hơn 4 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay, tổ dệt đã thực sự mang đến nhiều đổi thay trong nhận thức của phụ nữ làng Bồ về nghề dệt thổ cẩm. Đặc biệt nhất, nghề dệt này đã có thể trở thành phương tiện kiếm thêm thu nhập, qua đó giúp chị em thêm yên tâm và gắn bó với nghề.

Chị Rơ Châm H’Panh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Yok, huyện Ia Grai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm làng Bồ cho biết: “Từ khi thành lập các chị có thêm thu nhập nữa và chủ yếu là chúng tôi giữ được bản sắc của dân tộc mình. Hiện tại trong định hướng tương lai, chúng tôi sẽ phát triển thêm 1 số hoa văn mới và dạy học cho một số giới trẻ hiện nay, chúng tôi sẽ mở 1 lớp khoảng 20 bạn trẻ để dạy nghề./ Khó khăn hiện tại do số nghệ nhân còn ít nên khi có đơn đặt hàng thì làm không kịp nên chúng tôi cũng kêu gọi các nghệ nhân của làng khác nữa. Trước đây chúng tôi chỉ làm khi rảnh rỗi nhưng khi có đơn đặt hàng nhiều thì nhiều chị cũng tập trung dệt để nâng cao thu nhập”.

Mô hình liên kết trong nghề dệt thổ cẩm như ở làng Bồ không phải là mới bởi trên địa bàn tỉnh từ lâu cũng đã xuất hiện nhiều CLB, HTX dệt thổ cẩm ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trên thực tế, hầu hết các mô hình này đều mang lại hiệu quả thiết thực và đây cũng là động lực để tổ dệt thổ cẩm ở làng Bồ tiếp tục duy trì và phát triển, qua đó không chỉ giải quyết công lao động nhàn rỗi mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ lửa đối với nghề truyền thống, nhất là trong giới trẻ hiện nay./.

Ngô Thanh, Thanh Sáng


Lượt xem: 87

Trả lời