Loay hoay tìm đầu ra cho một số sản phẩm cây ăn trái ở Đăk Pơ

Cập nhật 19/1/2024, 15:01:59

Sản xuất gắn với liên kết, tiêu thụ sẽ giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm là kinh nghiệm mà nhiều địa phương đã thực hiện thành công. Kinh nghiệm này có thể vận dụng với một số nơi bà con đang gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm do thiếu sự liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Câu chuyện khó khăn trong vấn đề tiêu thụ ở một số vùng trồng cây ăn trái của huyện Đăk Pơ là một ví dụ về việc thiếu tính liên kết trong sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Bắc là một trong những nông dân tiên phong đưa mô hình cây ăn trái vào trồng ở vùng đất đá lửa thuộc xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ. Theo bà Bắc, với chất đất như ở vùng đất Đăk Pơ thì rất phù hợp để trồng nhiều loại cây trồng. Đầu tiên bà cũng chỉ thử nghiệm trồng một vài loại cây sau đó thấy phù hợp nên đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ hơn 7 ha mì, bắp, mía sang cây ăn trái bao gồm: Chanh đào, dừa, bưởi da xanh, mít, điều. Bà Bắc cho biết với mô hình trồng tổng hợp cây ăn trái cho thu nhập tăng cao hơn gấp 2-3 lần so với trước đây trồng mía, bắp hay mì…Nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình ngày càng ổn định hơn trước đây.

Bà Nguyễn Thị Bắc – Xã Hà Tam, huyện Đak Pơ, Gia Lai chia sẻ: “Vùng đất đây trồng cây ăn trái chất lượng ngon, mẫu mã cũng đẹp. Trước khi giá mía thấp, 7 ha không lời bao nhiêu nhưng 7 ha trồng cây ăn quả thì lợi hơn gấp 2-3 lần. Trồng đây tuy hơi mất công nhưng có thể tận dụng công lao động của mình thì tính ra vẫn có lợi hơn, còn trồng mía thì trồng theo mùa vụ.”

Vùng núi đá lửa – nơi bà Bắc đang phát triển thành công mô hình trồng cây ăn trái là một trong những vùng kinh tế khó khăn nhất của huyện. Vì đặc thù ở đây là đất đá nên rất khó để phát triển sản xuất hiệu quả, ấy vậy mà đến nay núi đá lửa đã trở thành vùng chuyên canh cây ăn trái, nổi tiếng là na dai, sầu riêng, bưởi da xanh, quýt đường…Chuyển đổi cây trồng thành công, bà con nông dân rất phấn khởi vì có cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ nguồn thu nhập từ cây ăn trái cao hơn so với trước đây trồng mì, bắp…Thế nhưng để phát triển theo hướng hàng hóa và mang tính chuyên canh thì hiện nay bà con đang gặp khó khăn do các mô hình trồng mang tính tự phát theo quy mô nông hộ, chưa có sự liên kết sản xuất. Thêm nữa là hạ tầng giao thông ở một số vùng trồng còn khó khăn nên việc kết nối giao thương bị hạn chế rất nhiều.

Ông Đặng Thành Yên – Xã Tân An, huyện Đăk Pơ, Gia Lai nói: “Nói chung đất đá lửa trồng cây ăn trái được nhưng đường xá khó khăn nên chúng tôi mong Nhà nước làm cho một con đường để đi lại dễ dàng. Hiện tại chủ yếu trồng na, sầu riêng thấy cũng phát triển. Bây giờ trồng nhỏ lẻ, chưa phát triển do đường xá, điện.”

Anh Võ Đức Trí – Xã Tân An, huyện Đăk Pơ, Gia Lai cho biết: “Trước đây trồng bắp, trồng mì nhưng không ổn định, bây giờ chuyển sang trồng cây ăn trái thì đỡ hơn, có thu nhập hơn. Ở đây thứ nhất là nguồn nước, đường xá, nếu có điện thì tốt hơn cho bà con đỡ tiền dầu, đường xá thuận lợi thì sẽ dễ dàng hơn trong việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm cho bà con.”

Tính đến nay trên địa bàn huyện Đăk Pơ đã phát triển được gần 500 ha cây ăn trái…Huyện xác định đây là hướng phát triển mới và rất triển vọng ở địa phương ngoài thương hiệu rau xanh Đăk Pơ. Tuy nhiên với những khó khăn hiện tại như phản ánh của người dân về hạ tầng giao thông cần được đầu tư, tạo thuận cho việc đi lại cũng như kết nối giao thương, nếu không được tháo gỡ sẽ trở thành rào cản để thúc đẩy phát triển cây ăn trái trên địa bàn theo như định hướng của huyện

Hồng Uyên – Viễn Khánh


Lượt xem: 4

Trả lời