Liên kết để cùng phát triển

Cập nhật 31/3/2023, 16:03:04

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã có nhiều chủ trương về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đây là xu thế tất yếu để ngành nông nghiệp xứng tầm là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh.Cụ thể hoá các chủ trương đó, các ngành hữu quan và các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện; trong đó hình thành các chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với nông dân theo phương châm “Muốn đi xa phải đi cùng nhau” để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Phóng sự được thực hiện tại thị xã Ayun Pa.

Đã nhiều năm nay, ông Bùi Văn Đông cũng như nhiều nông dân khác ở thị xã Ayun Pa luôn yên tâm sản xuất mía, bởi đã hợp tác liên kết với Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai; được Công ty đầu tư tiền và giống, vật tư, phân bón, chuyển giao kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, những năm gần đây giá mía ổn định nên mang lại nguồn thu cho nông dân từ 30 đến 35 triệu đồng/ha (sau khi trừ chi phí).

Ông Bùi Văn Đông – Tổ dân phố 5, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa nói: “Nông dân ở đây được Công ty đầu tư để sản xuất mía, thu mua cũng kịp thời; giá ổn định nên rất yên tâm sản xuất.”

Còn đối với Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai hiện có vùng nguyên liệu mía với tổng diện tích hơn 11.500 ha tại thị xã Ayun Pa và các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Chư Sê luôn đồng hành và giữ chữ “tín” với nông dân. Đầu tư hợp tác, tạo sự liên kết chặt chẽ không chỉ giúp nông dân trồng mía có nguồn thu nhập ổn định mà còn nâng cao sự cạnh tranh của Công ty trong ngành Mía đường Việt Nam khi ngày càng mở rộng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh cơ giới hoá và ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm đường.

Bà Vũ Thị Lan – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai cho biết: “Công ty luôn thực hiện đúng cam kết với nông dân. Trong chính sách đầu tư, thu mua mía, Công ty có nhiều “chính sách mở” để nông dân yên tâm sản xuất mía. Ví dụ khi xảy ra hạn hán thì chúng tôi triển khai chính sách hỗ trợ nông dân tưới mía và các chính sách hỗ trợ chế phẩm, cơ giới hoá để nông dân có thu nhập tốt nhất. Hay khi xảy ra dịch bệnh thì chúng tôi cùng chính quyền địa phương đồng hành với bà con nông dân để tiến hành thu mua mía cho nông dân kịp thời, không bị tác động nhiều bởi dịch bệnh.”

Thị xã Ayun Pa có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện trên địa bàn thị xã đã có 666 ha mía, 250 ha thuốc lá, 179 ha mì, 106 ha lúa cùng diện tích các loại cây trồng khác; trong đó đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung với sự liên kết chặt chẽ trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân; phần lớn diện tích cây trồng có năng suất, sản lượng cao.

Ông Nguyễn Quý Linh – Đại diện Công ty TNHH Kim Ngọc (thị xã Ayun Pa) nói: “Vùng sản xuất thuốc lá của Công ty tại huyện Phú Thiện, huyện Krông Pa và thị xã Ayun Pa với 420 ha. Công ty đã đầu tư cho nông dân về giống, vật tư, phân bón để sản xuất thuốc lá và cam kết với nông dân là thu mua sản phẩm thuốc lá của bà con. Khi nông dân gặp rủi ro do thiên tai thì Công ty cũng đồng hành với nông dân.”

Đồng chí Trần Quốc Khánh – Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Ayun Pa trao đổi: “Để phát huy tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, những năm qua thị xã Ayun Pa đã quan tâm triển khai nhiều chương trình, nhất là thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ hợp tác liên kết sản xuất với nông dân; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới…”

Những chủ trương, định hướng, nhất là một trong 3 chương trình trọng tâm của Đảng bộ thị xã Ayun Pa nhiệm kỳ 2020-2025 về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân” đang đi vào cuộc sống; đã hạn chế những rủi ro, thiệt hại do điệp khúc “được mùa mất giá” và tạo “bà đỡ” cho nông dân trong sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Với xu hướng của ngành nông nghiệp là chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, đa giá trị, nông nghiệp hiện đại… thì Ayun Pa cũng như các địa phương khác cần có những giải pháp đột phá hơn nữa nông nghiệp phát triển bền vững./.

Hà Đức – R’Piên


Lượt xem: 7

Trả lời