Lễ Pơ Jrao – Nét đẹp văn hóa Jrai

Cập nhật 26/10/2022, 07:10:05

Lễ Pơ Jrao là một phong tục lâu đời của đồng bào Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai, có ý nghĩa tôn vinh hạt thóc và tập tục cúng các vị thần trời đất; thần sông suối; mẹ thiên nhiên … Với mong ước mùa màng được tươi tốt, bội thu mang lại cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Giữa ngôi nhà sàn truyền thống của già Rơ Châm Phăn, tiếng cồng chiêng rộn rã ngân lên như lời thông báo của gia chủ đến bà con dân làng: Ngoài đồng chân ruộng đã làm cỏ xong; lúa bắt đầu trổ bông, hôm nay gia đình làm Lễ Pơ Jrao.

Để lễ cúng diễn ra theo đúng ghi thức truyền thống của người Jrai, mọi công tác chuẩn bị được gia đình già Rơ Châm Phăn thực hiện cẩn thận, chu đáo. Sau khi các vật lễ được chuẩn bị đầy đủ gồm: Heo, gà trống, cây nêu, rượu ghè và lá cây  Hla Ngal…, gia chủ bắt đầu di chuyển thực hiện nghi lễ cúng tại cánh đồng lúa. Giữa mênh mông đất trời, cây nêu được dựng lên tượng trưng cho sự “thông linh”, gửi đến các Yàng để chứng giám lòng thành, phù hộ cho gia chủ được mùa bội thu; mọi người trong gia đình được khỏe  mạnh không đau ốm.

Già làng Rơ Châm Phăn,  Làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “ Ơ…Yang ! Hỡi thần lúa, thần sông, thần núi, hôm nay gia đình làm Lễ Pơ Jrao, báo cho các Yang về đây cùng ăn, cùng vui, phù hộ không có chim, sóc đến phá hoại; cho lúa nhiều hơn năm trước; bảo trợ gia đình luôn bình an….ơ Yang”!

Hoàn thành lễ cúng tại ruộng, gia chủ sẽ về lại ngôi nhà sàn để tiếp tục làm lễ cúng nhỏ để cầu bình an và sức khoẻ. Nghi lễ kết thúc sau khi gia chủ già làng lớn tuổi nhất uống một cang rượu để chứng kiến. Dàn cồng chiêng của làng bắt đầu tấu lên âm thanh rộn rã, hoà nhịp với vòng xoang để mừng ngày lễ trọng của gia đình. Trong không khí vui tươi, dân làng và những vị khách phương xa sẽ cùng vít cần rượu chung vui cùng gia chủ.

Già làng Rơ Châm Nha , Làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “Theo truyền thống khi một gia đình làm lễ cúng thì dân làng sẽ cùng tập trung về, có gạo góp gạo, có rượu góp rượu; đánh cồng chiêng để chung vui cùng gia đình. Đây là dịp mà gặp gỡ, trao đổi công việc ruộng đồng, nương rẫy; rồi chỉ bảo cho lũ trẻ trong làng biết về văn hoá truyền của cha ông mình để giữ gìn không làm mất đi”.

Ông Nguyễn Ngọc Long,  GĐ Nhà hát ca múa nhạc Tổng hợp Đam San cho biết: “Một tín hiệu rất vui là khi mà chúng tôi phối hợp cùng với địa phương để triển khai công tác phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thì đã nhận được sự đồng tình tham gia rất tích cực của chính người dân. Chúng tôi chỉ là người hỗ trợ về mặt tổ chức, còn mọi cách thức, con người tham gia, trang trí…đều được chính tay bà con làm. Vì vậy mà các nghi lễ đảm báo đúng theo nguyên bản. Qua đó, đã tạo được sự đoàn kết và phát huy tốt tình yêu văn hoá ngay chính cộng đồng, buôn làng”…

Được phục dựng trang nghiêm, đúng theo nghi thức truyền thống, Lễ Bơ Jrao không chỉ mang giá trị về mặt tín ngưỡng mà còn chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc như: Nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng, múa xoang; trang trí làm cây nêu…. Đây cũng là dịp để bà con dân làng sum họp, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng; ra sức gìn giữ, bảo tồn văn hoá của cha ông, qua đó giới thiệu đến du khách những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương./.

Kim Ngân,  Mạnh Hà


Lượt xem: 23

Trả lời