Lễ phát động Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên

Cập nhật 09/7/2020, 18:07:33

Để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, chiều ngày (9/7), tại Trường phổ thông Trung học Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức phát động Chiến dịch phòng, chống dịch bạch hầu cho 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông và Gia Lai. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế tham dự lễ phát động. Về phía tỉnh Gia Lai có đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo thông tin từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương kết quả tiêm chủng 5 tháng đầu năm 2020 cho thấy tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng thấp chưa đạt tiến độ theo kế hoạch, trong đó tỷ lệ vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, não màng não cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 34,6%, tỷ lệ tiêm vắc xin DPT mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi là 28,4 %. Số liệu trên cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ thấp. Do vậy, để khống chế dịch bệnh bạch hầu, đảm bảo duy trì miễn dịch cộng đồng, việc triển khai chiến dịch tiêm các vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên là cần thiết. Đây là bước đi quan trọng để giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh bạch hầu tại khu vực trọng điểm, bùng phát dịch bệnh.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế nêu: “Trong thời gian vừa qua những trường hợp mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn Tây Nguyên có cả đối tượng trên 7 tuổi và gần 60 tuổi. Điều đó cho thấy rằng trước đây họ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Để giải quyết vấn đề căn cơ và lâu dài chúng tôi nghĩ rằng biện pháp sử dụng vắc xin cho toàn dân trên địa bàn là hết sức quan trọng và hết sức cần thiết.”

Ở đây chúng tôi đang đặt ra quy mô cụm dân cư đảm bảo ít nhất trên 90% , nếu tiêm chủng đầy đủ như vậy thì mới tạo ra miễn dịch bệnh bạch hầu.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân chống bạch hầu và đặc biệt nữa là khuyến cáo người dân phải chủ động đi tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. Thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế đã chuyển tải trong thời gian vừa qua.

Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu lần này được tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin 5 trong 1; trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi: tiêm 1 mũi vắc xin DPT và người từ 48 tháng tuổi trở lên sẽ tiêm 2 mũi vắc xin Td (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 01 tháng). Chiến dịch tiêm chủng bắt đầu được triển khai trong tháng 7 năm 2020. Việc tổ chức tiêm chủng được triển khai theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động. Theo đó, tại Trạm y tế sẽ tiến hành tiêm chủng cho đối tượng là trẻ 2 tháng tuổi trở lên và thực hiện tiêm vét; tại các điểm lưu động sẽ thực hiện tiêm chủng cho đối tượng sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận với dịch vụ y tế.

Kiểm soát dịch bệnh bạch hầu dựa trên những bài học kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch COVID 19 đã và đang được áp dụng; sự lãnh đạo của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, chủ động phòng ngừa – phát hiện sớm – cách ly triệt để và điều trị tích cực, tối ưu hóa hệ thống giám sát đã có

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo: “Sở Y tế 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình dịch bệnh và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin có chứa thành phần bạch hầu trên diện rộng trong phạm vi toàn tỉnh từ tháng 7/2020 trong đó lưu ý xác định, khoanh vùng những vùng nguy cơ cao, vùng có nguy cơ và vùng nguy cơ thấp để lên kế hoạch triển khai theo các bước ưu tiên phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh và báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đầu mối rà soát, tổng hợp, báo cáo và đề xuất kế hoạch phòng chống dịch trên địa bàn, khẩn trương hướng dẫn các tỉnh rà soát; xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin; phối hợp với Dự án TCMR Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận, điều phối và phân bổ vắc xin phối hợp 5.1, vắc xin DPT trong tiêm chủng mở rộng; phối hợp với Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế tổ chức mua, tiếp nhận, phân bổ vắc xin Uốn ván – bạch hầu (Td); hướng dẫn, giám sát việc tổ chức triển khai chiến dịch tại khu vực Tây Nguyên đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả”.

Theo Bộ Y tế cho biết thì nguồn vắc xin phòng bệnh bạch hầu được đảm bảo cung ứng đầy đủ: vắc xin 5 trong 1 và DPT hiện đang sẵn có và sử dụng trong tiêm chủng mở rộng, vắc xin Td tại Việt Nam có thể sản xuất và cung ứng kịp thời phòng chống dịch. Dự kiến, trong chiến dịch này sẽ tiêm chủng khoảng 120.446 liều vắc xin 5 trong 1; trên 279 ngàn liều vắc xin DPT; và trên 10 triệu liều vắc xin Td. Như vậy gần 4,7 triệu đối tượng tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên sẽ được tiêm các mũi vắc xin khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu.

Sau Lễ phát động, đoàn công tác của Bộ Y tế cùng lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai đã đến thăm và động viên những trường hợp đang cách ly bệnh bạch hầu tại TTYT huyện Đak Đoa, đồng thời  thăm, động  viên cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Hà Bầu đang nỗ lực cùng chính quyền địa phương  thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh./.

Lệ Xuân, Duy Linh


Lượt xem: 60

Trả lời