Lễ Cúng Bến nước của người Jrai

Cập nhật 31/10/2019, 16:10:12

Lễ Cúng Bến nước là phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có người Jrai; là lễ nghi mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, là bản sắc văn hóa độc đáo và cũng là một trong những lễ hội lớn của người Jrai… Với mong muốn bảo tồn và phát huy nét văn hoá đặc sắc đó, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San vừa phối hợp Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa thông tin &Thể thao huyện Krông Pa tổ chức phục dựng Lễ Cúng Bến nước của đồng bào Jrai tại buôn Gôm Gốp, xã Ia Rmok… Chúng ta cùng đến với nghi lễ này để có dịp hiểu thêm về tín ngưỡng đa thần của đồng bào Jrai ở huyện Krông Pa

Lễ cúng bến nước của người Jrai hay còn gọi là Doh Bing Ia, thường được tổ chức vào tháng 10, tháng 11 dương lịch và cứ 3 năm tổ chức 1 lần. Người Jrai quan niệm: Vì ngày xưa ở các buôn, làng không có giếng nước nên dân làng phải ra sông để lấy cái nước về, do đó nghi lễ này được tổ chức để cầu mong thần nước phù hộ cho dân làng được bình an…

Trước khi nghi lễ chính thức diễn ra, già làng tổ chức họp dân huy động đóng góp, thường là góp gạo (khoảng 1 kg/hộ) hoặc đóng góp tiền (20.000 đồng/hộ) để nấu rượu cúng… Sau đó cả làng quét dọn, phát quang đường làng và nơi bến sông để rước hồn nước; phát dọn ở nơi cây gạo đầu làng để dựng cây nêu… Sau đó đoàn rước hồn nước xuống bến sông Ba rước hồn nước về. Khi về đến nhà, cũng là lúc các lễ vật cúng tế đã được chuẩn bị sẵn, bao gồm: 5 chén cơm, 5 chén thịt, 5 ché rượu, 1 con gà trống, 1 nồi đồng đựng rượu, 1 con voi bằng đất để thắp nến, 1 tô đồng múc nước, 1 đĩa cơm, 1 đĩa thịt… Khi tiếng chiêng vừa cất lên, thay mặt cho bà con buôn Gôm Gốp, già làng Rơ Ô Bhum bắt đầu cúng:

“Hỡi các vị thần linh, hỡi thần sông, thần nước, hôm nay dân làng chúng tôi dâng lễ vật lên các vị thần, cầu mong hãy phù hộ cho dân làng chúng tôi được mạnh khỏe như cái cây mọc trong rừng, cầu cho mưa thuận, gió hòa để cây lúa trổ bông, thóc lúa đầy bồ, mùa màng bội thu, cầu cho mọi người trong buôn đều được mạnh khỏe, không có ai ốm đau, bệnh tật”.

Sau khi thực hiện xong nghi lễ cúng, chủ khách cùng chung vui bên ché rượu ghè, tiếng cồng chiêng được tấu lên, những điệu xoang của các thiếu nữ miền sơn cước lại nhịp nhàng, uyển chuyển như cánh chim Chơrao gọi bầy… Lễ cúng bến nước đã được phục dựng gần như nguyên bản…

Già làng Rơ Ô Bhum, buôn Gôm Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, Gia Lai nói: “Hôm nay tổ chức như thế này là đúng với truyền thống của người Jrai, bà con trong buôn rất vui khi được Đảng, Nhà nước quan tâm phục dựng lại nghi lễ này, vì cũng lâu rồi chưa có dịp tổ chức lớn như vậy”.

Đúng như trăn trở của già làng Rơ Ô Bhum và nhiều người già ở buôn Gôm Gốp, xã Ia Rmok, trước mối lo mai một dẫn đến thất truyền, việc tổ chức phục dựng lễ cúng bến nước và nhiều nghi lễ truyền thống khác của đồng bào DTTS trên cơ sở chọn lọc, kế thừa là việc làm cấp thiết hiện nay…

Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San cho biết: “Chúng tôi chọn lọc những cái hay thì giữ lại, cái nào không phù hợp thì tuyên truyền bà con bỏ bớt, cái quan trọng trong phục dựng các nghi lễ truyền thống là để bà con nâng cao hơn nữa tính cộng đồng để cùng nhau giữ gìn truyền thống văn hóa quý báu này”.

Ông Kpă Ngun, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, Gia Lai cũng cho biết: “Nghi lễ cúng bến nước của người Jrai bản địa nơi đây rất độc đáo và đậm màu sắc tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa để bà con làm ăn được thuận lợi, suôn sẻ. Để lưu giữ nét đẹp truyền thống này, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các địa phương tổ chức phục dựng để lễ hội này không bị mai một”./.

Song Nguyễn, Minh Vũ


Lượt xem: 99

Trả lời