Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai họp nghe báo cáo về việc đề nghị phê duyệt Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao

Cập nhật 03/6/2022, 17:06:11

Chiều nay (3/6), UBND tỉnh Gia Lai đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn tỉnh nghe báo cáo về việc đề nghị phê duyệt Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Chủ trì cuộc họp tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên; Hồ Phước Thành. Dự họp tại điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố có lãnh đạo UBND và các phòng, ban chuyên môn.

Theo dự thảo Đề án được Sở Nông nghiệp & PTNT trình bày tại Hội nghị, giai đoạn 2016 – 2021, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi trên 38.637 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như khoai lang Nhật, khoai tây, rau đậu đỗ các loại, cây ăn quả, cây dược liệu và ưu tiên dành một phần quỹ đất cho phát triển các dự án chăn nuôi, xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…Hiệu quả kinh tế các mô hình chuyển đổi cao hơn gấp 2 – 5 lần so với trước khi thực hiện chuyển đổi. Tuy nhiên, theo đánh giá thì hiệu quả kinh tế ngành trồng trọt hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, giá trị sản phẩm thu được trên một ha đất trồng trọt còn thấp, mới chỉ đạt 41% so với bình quân chung cả nước. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng hạn ở một số địa phương triển khai chưa hiệu quả và một số còn khó khăn trong quá trình tổ chức sản xuất. Để khắc phục những tồn tại trên, theo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu chuyển đổi 81.500 ha, trong đó gồm: 6 ngàn ha lúa, gần 20 ngàn ha sắn, trên 12.598 ha mía, trên 32.652 ha cao su, 9.568 ha điều và trên 1.139 ha hồ tiêu. Phấn đấu giá trị sản xuất trên 1 ha chuyển đổi tăng ít nhất 25% so với trước khi chuyển đổi.

Tại cuộc họp, các sở, ban, ngành, địa phương và đại diện một số doanh nghiệp đã có những ý kiến tham gia bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến nhu cầu diện tích chuyển đổi cũng như chủ trương thực hiện trong liên kết sản xuất để gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Tham gia vào Đề án, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành ghi nhận sự chuẩn bị của Sở Nông nghiệp & PTNT xây dựng Đề án, tuy nhiên cần phải rà soát, đánh giá lại thực trạng sản xuất, tính toán kỹ lưỡng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đảm bảo tính phù hợp với đặc điểm của từng địa phương cũng như nhu cầu thực tiễn của thị trường đối với từng loại cây trồng. Mặt khác, quá trình thực hiện phải kiên quyết nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân trong quá trình thực hiện chuyển đổi. Ngoài các diện tích cây trồng kém hiệu quả cần chuyển đổi, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai lưu ý Ngành nông nghiệp cần nghiên cứu, mở rộng, đa dạng hóa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Liên quan đến nguồn vốn thực hiện Đề án, ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, cần huy động nhiều nguồn lực khác, trong đó có sự góp vốn từ hệ thống các ngân hàng. Quá trình thực hiện Đề án cần phải có những giải pháp cụ thể, trong đó tăng cường liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với bà con nông dân; đẩy mạnh chuyển đổi số, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Để Đề án thực hiện hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng lưu ý một số vấn đề về công tác đào tạo nguồn nhân lực, tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế chính sách thực hiện phù hợp và một vấn đề quan trọng khác, đó là yêu cầu việc chuyển đổi phải thực hiện một cách quyết liệt, tăng tốc, có như vậy mới kỳ vọng đạt được mục tiêu mà Đề án cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đặt ra cho lĩnh vực nông nghiệp.

Hồng Uyên – Mạnh Hà


Lượt xem: 10

Trả lời