Làng thanh niên “2 không 2” có ở xã Ia Hrung

Cập nhật 07/8/2022, 10:08:44

Mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai triển khai từ tháng 1 năm 2019. Đến nay, các cấp hội đã xây dựng được 82 làng, trong đó 17 làng đã đạt chuẩn. Với những hiệu ứng tích cực, mô hình này đang tiếp tục được nhiều địa phương quan tâm và nhân rộng.

Có đội, nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là 1 trong những tiêu chí để xây dựng làng thanh niên “2 không 2 có”. Chính vì thế, khi thành lập mô hình này tại làng Maih, các bạn trẻ cố gắng tập luyện nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Được tiếp cận với văn hóa truyền thống, những buổi sinh hoạt chi đoàn cũng trở nên sôi nổi hơn. Thanh niên nơi đây ngày càng gắn kết với nhau để góp sức giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa. Theo đó, để duy trì hoạt động này, bên cạnh việc mời già làng truyền dạy, thanh niên làng Maih còn tích cực học hỏi thêm các thanh niên làng khác.

Anh Piuh Thanh – Làng Ngai Ngó, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai chia sẻ: “Bản thân tôi cũng rất thích các loại nhạc cụ dân tộc, tôi cũng đã được tham gia nhiều lễ hội biểu diễn. Vì thế những buổi sinh hoạt đoàn tôi sẵn sàng chia sẻ, phổ biến cho các bạn thanh niên để cùng bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc”.

Mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” được triển khai với các mục tiêu: Có đội, nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Có mô hình thanh niên phát triển kinh tế; Không có thanh niên thất nghiệp; Không để xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên. Tại làng Maih tuy mới thành lập mô hình này, nhưng tinh thần tham gia của nhiều bạn trẻ được thể hiện rõ. Cùng với sự động hành của Hội Liên hiệp thanh niên xã Ia Hrung, việc triển khai mô hình này đã tạo động lực để đoàn viên, thanh niên vươn lên, nâng cao ý thức xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ.

Ông Dương Anh Đức – Trưởng thôn làng Maih, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai cho biết: “Thanh niên ở đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của một số thanh niên còn hạn chế. Sau khi mô hình “Thanh niên 2 không 2 có” ra đời, nhận thức của bạn trẻ nâng lên, có hướng để làm giàu cho bản thân gia đình và xã hội. Tham gia trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cũng như xã hội thì các bạn cũng chấp hành tốt chủ trương chính sách của đảng và nhà nước đã đề ra. Khi có mô hình thanh niên 2 không 2 có, các bạn đã hướng vào học tập tham gia các lớp tập huấn của huyện cũng như các nơi khác tổ chức, làng này có 2 lớp là sản xuất và xây dựng cơ bản, các thanh niên có chứng chỉ và ra làm việc rất tốt”.

Tuy nhiên, Hội Liên hiệp Thanh niên xã Ia Hrung cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình xây dựng làng thanh niên 2 không 2 có.

Chị Ksor H’Thư – Bí thư Đoàn xã Ia Hrung, huyện Ia Grai cũng cho biết: “Đối với chúng tôi cái khó khăn nhất để xây dựng làng thanh niên 2 không 2 có về con người mới đầu vận động các bạn còn e dè, về sau chúng tôi thuyết phục vào mô hình thì các bạn được học hỏi kinh nghiệm sản xuất được duy trì tập tục bản sắc dân tộc. Kinh phí hoạt động cũng eo hẹp, chúng tôi tự vận động giao lưu sinh hoạt với nhau”.

Có thể nói, mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” bước đầu đạt kết quả khả quan, thể hiện cách làm sáng tạo của tuổi trẻ trong thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số và phong trào “Tuổi trẻ Gia Lai chung tay xây dựng nông thôn mới” của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn. Để phát triển mô hình này, việc vận động thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm là 1 trong những yếu tố then chốt. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện ngày một ngày hai. Vì thế, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh./ .

Thanh Vui, Viễn Khánh


Lượt xem: 18

Trả lời