Làng Breng giữ gìn nghề làm cối gỗ truyền thống

Cập nhật 30/10/2018, 17:10:06

Từ bao đời nay, chiếc cối giã gạo đã gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, nhiều vật dụng hiện đại hơn xuất hiện, chiếc cối gỗ đã có phần bị thay thế và quên lãng. Thế nhưng tại làng Breng, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa vẫn có những con người ngày ngày kiên trì, bám nghề làm cối gỗ và truyền lại cho các thế hệ sau với mong muốn giữ được hồn dân tộc giữa cuộc sống hiện đại, náo nhiệt.

Đến làng Breng, xa xa đã nghe tiếng máy cưa, máy tiện rì rầm. Thanh âm mạnh mẽ, rắn rỏi của lao động đã tạo nên một không khí đặc trưng khác hẳn so với các làng khác.

Để làm được một sản phẩm cối gỗ, người thợ phải trải qua rất nhiều khâu, mất nhiều công sức.Từ tách vỏ gỗ, tạo lòng đến mài nhẵn bề măt cối. Gỗ để làm cối thường là gỗ mít và gỗ cây tơ nang. Nét độc đáo của nghề này là có thể tận dụng mọi thứ trên thân cây để làm nguyên liệu.Thân gỗ lớn dùng để làm cối lớn, thân nhỏ thì làm cối nhỏ. Nhánh nhỏ hơn thì dùng để làm chày.

Anh Nhun- Làng Breng, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa cho biết: “Làm cối cũng rất khó, lúc làm phải rất cẩn thận để không bị cưa cắt vào tay chân. Mình phải làm đẹp thì người ta mới mua. Mình bán được ở Kon Tum, Đức Cơ… người ta rất thích”.

Trăn trở về một thương hiệu cho làng nghề, trưởng thôn Thin đã mang sản phẩm của làng đi rao bán khắp nơi. Mỗi chiếc cối được bán với giá từ 200- 500 ngàn đồng tùy kích cỡ lớn nhỏ. Những chiếc cối của làng Breng đã len lỏi vào tận căn bếp của người dân và trở thành vật dụng được ưa chuộng của mỗi gia đình.

Anh Thin- Làng Breng, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa nói: “Một ngày 1 người làm được 5 cái cối, không đáp ứng được nhu cầu bên ngoài đâu, vì nhiều hộ dân họ thích lắm. Đây là nghề truyền thống của dân tộc, mong muốn nghề này được duy trì đến con cháu, để phát triển kinh tế”.

Cùng với nhiều thứ âm thanh thôn dã khác, tiếng chày giã gạo thậm thình đều đều đầy nhẫn nại trong những cối gỗ đã trở thành mảnh hồn của thôn làng nơi đây. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế hiện nay, khi không còn được tùy tiện lấy gỗ từ rừng, việc tìm một cây gỗ để làm cối cũng trở nên khó khăn hơn. Chính vì vậy, để nghề truyền thống này được giữ gìn, phát huy cũng cần có một giải pháp dài hơi để giải quyết nguồn nguyên liệu làm cối, giúp người dân có công việc ổn định, thêm thu nhập, ổn định kinh tế./.

Nhâm Dung; Minh Trung


Lượt xem: 211

Trả lời