Làm rõ dư luận về vụ phá rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai (huyện Kbang)

Cập nhật 09/3/2023, 16:03:44

Vừa qua có một số thông tin phản ánh về tình trạng rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai (ở huyện Kbang) quản lý bị phá hoại đã gây ra nhiều luồng dư luận. Trong sáng ngày 8.3, phóng viên Đài PT-TH Gia Lai đã thâm nhập địa bàn, tìm hiểu và làm rõ thông tin trên dư luận về vụ việc này tại đơn vị chủ rừng trên.

Sau hơn 4 tiếng thâm nhập thực tế lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai bằng phương tiện xe máy, chúng tôi ghi nhận tại tiểu khu 114 và tiểu khu 118 thuộc đơn vị quản lý có một số cây gỗ chủng loại: chò chỉ, xoay, dẻ, sao cát… nằm rải rác khắp tiểu khu bị cưa hạ. Tại hiện trường, trong những cây gỗ bị cưa hạ có nhiều cây đã khô mục, không còn giá trị sử dụng; một số cây bị sâu, bộng song cũng có những cây đã bị xẻ thành hộp và thậm chí có cây đã bị vận chuyển ra khỏi rừng chỉ còn trơ gốc hay bị đốt gốc nghi để phi tang. Ngay sau khi phát hiện các vụ khai thác rừng trái phép, đơn vị chủ rừng cũng đã phối hợp với các ngành liên quan lập biên bản các vụ vi phạm.

Ông Phạm Viết Hoan – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai, huyện Kbang nói: “Chúng tôi cũng đã phối kết hợp với một số cơ quan chức năng như: Hạt Kiểm lâm, Công an, Viện Kiểm sát đã vào kiểm tra hiện trường của 4 cây gỗ báo đăng; đồng thời, có một số cây do Cục Kiểm lâm vào kiểm tra, mở rộng hiện trường là 12 cây nữa; tổng số là 16 cây. Trong đó có 2 cây mới bị khai thác thì lực lượng công ty cũng đã phát hiện và báo cáo với cơ quan chức năng báo cáo xin ý kiến và thu gom về công ty; còn lại đại đa số là cây cũ bị khai thác từ nhiều năm trước và một số cây là bị chết khô và trốc gốc.”

Ông Vũ Quang Sáng – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với Công an huyện, Đoàn liên ngành tỉnh, huyện và Công ty Lâm nghiệp Sơ Pai là đơn vị chủ rừng kiểm tra thực tế tại hiện trường như thông tin mà báo chí phản ánh. Qua kiểm tra thì cây có đường kính to nhất là cây chò chỉ có đường kính 75 cm và cây nhỏ nhất có đường kính là 46cm là cây xoay.”

Theo đối chiếu, so sánh thực tế của chúng tôi cùng đơn vị chủ rừng thì đường kính những cây gỗ bị cưa hạ nhỏ hơn nhiều so với thông tin, hình ảnh được phản ánh trong thời gian qua. Cụ thể: 2 cây gỗ chủng loại xoay tại lô 26, khoảnh 3, tiểu khu 114  thông tin phản ánh là có đường kính 1,5m nhưng đo, kiểm thực tế lần lượt có đường kính là 57 cm và 46 cm. Hay cây chò chỉ cũng tại tiểu khu 114 thông tin phản ánh là đường kính hơn 1m song thực tế đo là 75 cm.

Qua kiểm tra, xác minh vụ việc, lãnh đạo huyện Kbang đánh giá: Việc quản lý, bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai vẫn còn những tồn tại, vướng mắc. Hiện nay, địa phương cũng đang chỉ đạo ngành chức năng xác minh làm rõ để xử lý theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND huyện Kbang thông tin: “Công tác quản lý rừng của Công ty Lâm nghiệp Sơ Pai thì bên cạnh những mặt làm được thì còn có những thiếu sót. Đó là chưa phát hiện kịp thời số cây bị cắt hạ để báo cáo với huyện; thứ 2 nữa là trong công tác quản lý, điều hành việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng thì trong quá trình thuyết phục người dân trả lại đất thì có sự mâu thuẫn giữa người dân với công ty. Từ đó, dẫn đến vấn đề là có một số người dân cắt hạ một số cây để gây nên dư luận. Qua đây thì chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, công an, Viện Kiểm sát huyện kiểm tra, xác minh tại hiện trường đù điều kiện để khởi tố vụ án nhằm làm rõ vấn đề. Nếu trách nhiệm của công ty đến mức phải xử lý thì sẽ xử lý; còn nếu trách nhiệm của người dân có tình phá rừng, hủy hoại rừng thì cũng sẽ xử lý.”

Dù không có những cây gỗ đường kính lớn bị khai thác trái phép và diện tích rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai quản lý bị tàn phá nặng nề như một số thông tin phản ánh song thực tế cho thấy, tình trạng khai thác rừng lén lút vẫn còn xảy ra trên lâm phần của đơn vị. Đây cũng đang là khó khăn chung của các đơn vị chủ rừng khi diện tích rừng được giao lớn nhưng lực lượng chuyên trách mỏng, bình quân mỗi nhân viên phải quản lý, bảo vệ gần 1.000 ha rừng nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, qua vụ việc trên và với một địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn như huyện Kbang hơn 120.000 ha thì đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tránh phát sinh những “điểm nóng” về tình trạng khai thác rừng trái phép

Đức Hải – Thanh Sáng


Lượt xem: 127

Trả lời