Làm gì để người dân có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh và bền vững

Cập nhật 23/3/2017, 07:03:33

Ngày 22.3 là ngày nước thế giới. Chủ đề ngày nước thế giới năm nay là “Nước thải” hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng về nước thải nhằm thực hiện mục tiêu thứ 6 là “Nước sạch và vệ sinh” trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030. Việt Nam trung bình mỗi năm cả nước có tới 9.000 tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư mà nguyên nhân bởi sử dụng nước bị ô nhiễm. Tại Gia Lai chất lượng nguồn nước và vấn đề sử dụng nước như thế nào cho hợp lý, hiệu quả để người dân có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh và bền vững là những vấn đề đang được đặt ra hiện nay.

Theo kết quả khảo sát vào đầu năm 2015 về chất lượng nước ngầm trên địa bàn thành phố Pleiku, kết quả 80% nguồn nước đều có độ pH cao hơn gấp nhiều lần so với mức cho phép. Tại một số khu vực như phường Thắng Lợi, Hội Phú, Ia Kring, Diên Hồng… nước có lượng megan cao. Đây là những hoạt chất nếu sử dụng lâu sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch cũng như một số bệnh ngoài da. Trong khi nguy cơ ô nhiễm nguồn nước là rất cao nhưng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước máy chỉ mới được hơn 30%, còn lại sử dụng nước ngầm. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn còn cao hơn nhiều, chiếm hơn 80% dân số. Nhiều người dân vẫn biết nguồn nước đang sử dụng có nguy cơ bị ô nhiễm cao nhưng không còn cách nào khác đành phải sử dụng.

Bà Đoàn Thị Lịch, phường Ngô Mây, thị xã An Khê cho biết: “Vẫn biết là nguồn nước giếng nguy cơ bị ô nhiễm là rất cao do dân thì càng ngày càng đông, bao nhiêu nước thải thải ra đều ngấm vào đất thì nguồn nước ngầm bị ô nhiễm là đương nhiên. Biết vậy nhưng vẫn phải sử dụng, không dùng thì nước đâu mà dùng”.

Vậy làm thế nào để người dân có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh và bền vững? Những năm qua, tỉnh Gia lai đã có những dự án đầu tư các công trình nước sạch nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân. Tại thành phố Pleiku đã xây dựng nhà máy nước với công suất 30.000 m3/ngày đêm, qua đó đã từng bước đáp ứng nhu cầu về sử dụng nước sạch của người dân.

Các địa phương còn lại, hàng năm từ nhiều nguồn vốn các công trình, dự án nước sạch cũng đã được đầu tư, nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch tăng hàng năm.

Tuy nhiên, để có được nguồn nước đảm bảo vệ sinh, ngoài sự đầu tư của nhà nước, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay chính là ý thức của người dân trong việc sử dụng nguồn nước như thế nào cho hợp lý và hiệu quả. Bởi trên thực tế có nơi nguồn nước vẫn đang bị sử dụng một cách lãng phí do ý thức của người dân.

Gần đây trong chương trình thời sự chúng tôi đã phản ánh tình trạng nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã An Khê đấu nối nước trái phép của Nhà máy nước Sài Gòn – An Khê. Thay vì đăng ký sử dụng và trả tiền theo khối lượng sử dụng thì rất nhiều hộ đã đấu nối trái phép và sử dụng một cách vô tội vạ gây thiệt hại kinh tế lớn cho nhà máy.

Ông Phạm Văn Anh, Tổ 10, phường An Phú, thị xã An Khê nói: “Bữa trước có lên đăng ký nhưng nhà máy chưa bắt nên đấu nối để dùng đợi khi nào nhà máy bắt nước. Trước đó thì sử dụng nước giếng”.

Tình trạng người dân trên địa bàn thị xã An Khê đấu nối nước trái phép xảy ra không mang tính cá biệt mà lại khá phổ biến. Số liệu thống kê của Công ty cổ phần nước Sài Gòn – An Khê từ tháng 3 năm 2016 đến nay tỷ lệ nước thất thoát bình quân từ 60-70% so với tổng lượng nước sản xuất. Nếu ở đâu ý thức của người dân về sử dụng nguồn tài nguyên nước cũng như người dân An Khê thì e rằng nguồn nước sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu và bài toán về thiếu nước vẫn không thể giải quyết. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều người dân vẫn sử dụng nguồn nước ngầm và phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật do sử dụng nguồn nước không đảm bảo chất lượng.

Vì vậy, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý và chung tay bảo vệ nguồn nước là thông điệp mà chủ đề ngày nước thế giới năm nay muốn gửi đến cộng đồng các Quốc gia.

Đối với tỉnh Gia Lai đây cũng là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Hiện nay trên địa bàn thành phố Pleiku nguồn nước chính phục vụ sinh hoạt của người dân được lấy duy nhất từ nguồn nước Biển Hồ, vì vậy nếu nguồn nước này không được quan tâm bảo vệ thì nguy cơ đối mặt với tình trạng ô nhiễm là rất cao. Ngoài ra, các địa phương khác cũng cần nêu cao ý thức về bảo vệ nguồn nước. Được như vậy thì mới có thể trả lời được cho câu hỏi làm gì để người dân có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo và bền vững.

Hồng Uyên,  Thanh Sáng


Lượt xem: 165

Trả lời