Làm gì để Ayun phát triển?

Cập nhật 13/11/2017, 08:11:09

Huyện Chư Sê hiện có 15 xã, thị trấn, trong đó Ayun là xã đang phải đối mặt nhiều khó khăn nhất. Với đặc thù địa giới hành chính bị chia cắt, giao thông đi lại trắc trở, thêm vào đó là tình trạng hạn hán trầm trọng vào mùa khô, tỷ lệ người DTTS  98% nên xã Ayun đang còn nhiều khó khăn trên bước đường phát triển.

Theo thống kê, xã Ayun có hơn 3.657 khẩu, tỷ lệ hộ  nghèo xấp xỉ 76% , hơn 13% hộ cận nghèo; Thêm vào đó, đất đai ít màu mỡ và nhất là tình trạng thiếu nước cục bộ không chỉ ở mùa khô mà cả một số tháng trong năm cũng khiến địa phương khó có điều kiện phát triển.

Ông Kpă Lim – Xã Ayun – Chư Sê nói: Làng mình nhiều người còn nghèo lắm. Mình mong muốn Nhà nước đầu tư máy cày, máy tuốt lúa, phân bón để trồng lúa, trồng mỳ”

Một trong những mô hình đang được triển khai tại xã Ayun vào đầu Vụ Hè Thu năm nay. Thay vì để người dân trồng lúa 1 vụ theo tập quán cũ, xã Ayun đầu tư cho họ gieo cấy lúa 2 vụ ở hình thức cấp phân bón, giống và đặc biệt là hướng dẫn cách trồng trọt, xử lý đồng ruộng khi bị thiếu nước hoặc sâu bệnh.

Ông Siu Dyon– Xã Ayun – Chư Sê cho biết: Năm trước trên cánh đồng này, mình trồng lúa 1 vụ chỉ được 50 bao thôi. Năm nay mình trồng lúa 2 vụ được gần 80 bao. Mình thấy trồng 2 vụ được nhiều lúa hơn, tốt hơn”.

Để từng bước nâng cao đời sống người dân ở xã vùng khó này, giữa tháng 5/2017, huyện Chư Sê mạnh dạn triển khai Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng  nông thôn mới trên địa bàn 2 xã Ayun và Hbông giai đoạn 2017-2020” với tổng trị giá hơn 479 tỷ đồng Riêng với xã Ayun, Đề án tập trung quy hoạch lại công tác sản xuất nông nghiệp, đầu tư công trình thủy lợi; khai thác tốt tiềm năng thủy sản từ hồ thủy lợi Ayun Hạ; thực hiện các chính sách hỗ trợ triển khai các mô hình phát triển sản xuất….

Ông Phạm Ngọc Thanh – CT UBND Xã Ayun – Chư Sê cho biết: Đề án này bước đầu có hiệu quả vì đi vào đời sống thực tế người dân, xây dựng Đề án trên cơ sở nhu cầu của người dân. Người dân cần nuôi con gì, sản xuất ra sao, trồng cây gì sẽ đề xuất trực tiếp với xã. Trên cơ sở đó, xã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, Trạm Khuyến nông đề xuất UBND huyện bám vào đó hỗ trợ trực tiếp cho dân. Nên Đề án này này một trong những đề án đi sát nhất nhu cầu thực tế tại xã Ayun”.

Thực tế cho thấy; việc triển khai Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng  nông thôn mới trên địa bàn 2 xã Ayun và Hbông giai đoạn 2017-2020” đang từng bước giải quyết một số nhu cầu cấp thiết của người dân trong chăn nuôi, trồng trọt. Đây cũng được xem là khâu quan trọng tháo gỡ nút thắt nhằm đẩy mạnh sự phát triển về mọi mặt cho người dân vùng đặc biệt khó khăn Ayun. Chính sự quan tâm, đầu tư kịp thời từ  tỉnh, đến huyện  đã tạo điều kiện thuận lợi giúp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số xã Ayun nhiều cơ hội hơn trong thoát nghèo./.

Thu Thủy ,  Đặng Trà


Lượt xem: 33

Trả lời