Kỳ vọng từ những dự án hợp tác trên lĩnh vực dược liệu

Cập nhật 20/8/2023, 09:08:33

Tỉnh Gia Lai đang tập trung đầu tư, phát triển cây dược liệu nhằm khai thác hiệu quả giá trị kinh tế của loại cây trồng này. Gia Lai cũng được đánh giá là một trong số ít những địa phương của cả nước có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng, nhân giống nhiều cây dược liệu quý, được thị trường ưa chuộng. Với lợi thế này, nhiều dự án trồng dược liệu có quy mô đã được một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện và mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Song song đó, một số doanh nghiệp nước ngoài cũng đang bắt đầu có các động thái nghiên cứu, khảo sát để xúc tiến hợp tác phát triển các loại dược liệu quý trên địa bàn tỉnh với kỳ vọng tạo được những sản phẩm chất lượng tốt để phục vụ nhu cầu của thị trường.

Trong chuyến khảo sát tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh của đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc vào tháng 7 vừa qua, các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trên lĩnh vực trồng dược liệu với tỉnh Gia Lai. Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh làm điểm khảo sát bởi đây là nơi có hệ động thực vật đa dạng, phong phú. Trong đó có nhiều loài thực vật được phát hiện là cây thuốc quý của Việt Nam, có giá trị kinh tế cao và có trữ lượng như nấm linh chi, lan kim tuyến, cây bá bệnh, sâm cau, đảng sâm, kiến kỳ nam…

Với lợi thế này, các doanh nghiệp Hàn Quốc tin tưởng, môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng sẽ phù hợp để trồng và phát triển giống sâm Hàn Quốc.

Ông Nam Gung Yoon Soo – Giám đốc điều hành HTX Nhân sâm Jeollabuk-do, Hàn Quốc cho biết: “Lần đầu tiên đến đây, chúng tôi muốn tìm hiểu về đất trồng, nhiệt độ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh xem có phù hợp với giống sâm Hàn Quốc hay không. Tôi mong muốn sẽ phù hợp, từ đó giúp việc hợp tác để phát triển giống sâm này tại Việt Nam, giúp người tiêu dùng Việt Nam được dễ dàng tiếp cận với sản phẩm dược liệu quý có xuất xứ từ Hàn Quốc.”

Hơn 500 cây sâm Hàn Quốc từ 1 đến 3 năm tuổi đã được trồng tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Đây là thử nghiệm bước đầu để kiểm chứng về mức độ phù hợp của loại dược liệu này để phía Hàn Quốc và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh làm cơ sở đánh giá hiệu quả và xúc tiến những bước tiếp theo nhằm đi đến thỏa thuận hợp tác trong tương lai.

Giáo sư Oh Sang Sik – Chủ tịch Mạng lưới Nông nghiệp quốc tế tại Việt Nam nói: “Chúng tôi mang giống sâm Hàn Quốc sang Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh để xem có phù hợp hay không. Nếu phù hợp thì nó sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc hợp tác phát triển loại dược liệu này ở Gia Lai. Ngoài ra, tôi rất thích vùng đất này, tôi biết ở Kon Ka Kinh có rất nhiều loại dược liệu quý, tôi cũng mong muốn được tìm hiểu để giới thiệu đến các doanh nghiệp Hàn Quốc, từ đó hợp tác phát triển về lĩnh vực dược liệu trong tương lai.”

Ông Ngô Văn Thắng – Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho biết: “Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có giá trị về đa dạng sinh học rất lớn. Về mảng dược liệu, thống kê có 300 loài có giá trị. Thực hiện chủ trương của tỉnh, Vườn cũng đang tiến hành xác định các cây có giá trị để nhân giống, phát triển nhằm nâng cao giá trị. Hiện chúng tôi đang trồng thử nghiệm nấm linh chi, sâm cau, địa liền để tạo ra số lượng lớn phục vụ nhu cầu thị trường. Chúng tôi rất vui khi được các doanh nghiệp Hàn Quốc đưa giống sâm sang trồng thử nghiệm ở Vườn và hy vọng sẽ mở rộng hợp tác để phát triển loại dược liệu này trong thời gian đến.”

Gia Lai đang đẩy mạnh phát triển về lĩnh vực dược liệu. Song song với mở rộng diện tích dược liệu, tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực này nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất, liên kết tiêu thụ và tạo được những mặt hàng chất lượng phục vụ thị trường. Toàn tỉnh hiện đã có 4 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư; 10 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư với quy mô khoảng 1 nghìn 800 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư trên 7 nghìn 300 tỷ đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 – 2025, có 9 dự án trồng, nhân giống và phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao, phát triển dược liệu dưới tán rừng với tổng diện tích 8 nghìn 450 ha, tổng vốn đầu tư gần 4 nghìn 200 tỷ đồng đang được tỉnh tiếp tục hoàn thiện thủ tục để bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở NN & PTNT  tỉnh Gia Lai trao đổi: “Hiện nay chúng ta đang phát triển khoảng 5 nghìn ha dược lựa. Vừa rồi, trong Đề án phát triển sâm Chính phủ vừa phê duyệt trong tháng 6, Gia Lai cũng nằm trong Đề án này. Chúng ta sẽ tận dụng và phát huy lợi thế hơn 6 trăm nghìn ha rừng tự nhiên để phát triển dược liệu dưới tán rừng.”

Hướng đến phát triển bền vững và lâu dài, Gia Lai cũng đặt mục tiêu hình thành ít nhất 4 cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống dược liệu để đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống chất lượng cao. Đồng thời, tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, tỉnh sẽ hình thành 2 trung tâm trồng khảo nghiệm, sản xuất giống cây dược liệu quý, giống cây dược liệu hàng hóa có giá trị kinh tế và lợi thế; hướng đến xây dựng Trung tâm Bảo tồn tri thức y học cổ truyền và nguồn gen cây thuốc quý của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên…Đây chính là những bước đi cần thiết để khẳng định vị trí của Gia Lai trên bản đồ dược liệu của cả nước.

Ngọc Hà – Huy Toàn


Lượt xem: 8

Trả lời