Ký ức Pleime

Cập nhật 13/11/2015, 14:11:38

50 năm đã qua đi, vùng đất lửa nơi thung lũng Ia Drăng của chiến dịch Pleime năm 1965 đã hồi sinh bằng màu xanh của sự sống, của những vườn cà phê, hồ tiêu bạt ngàn. 50 năm, mọi thứ giờ đã đổi thay; thế nhưng với những con người đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu nơi chiến trường ác liệt này thì dường như vẫn còn vẹn nguyên ký ức về trận đầu đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên. 

 

 

Ông Rơ Lan Kốt , làng Hát, xã Ia Pia, huyện ChưPrông kể cho Phóng viên nghe kí ức về chiến trường ác liệt Pleime

Dù thời gian có làm đổi thay mọi thứ, và những chứng tích của một thời đạn bom khói lửa có thể không còn nữa, nhưng với những người lính đã từng một thời tham gia chiến đấu nơi chiến trường ác liệt Pleime vào năm 1965 như ông Rơ Lan Kốt (hiện ở làng Hát, xã Ia Pia, huyện ChưPrông) thì ký ức về những trận đánh hào hùng, những đêm chia lửa cùng đồng đội làm nên lịch sử dân tộc thì mãi không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Năm 1965, địch tấn công Pleime ở khu E2 và E5, mặc dù cuộc sống khổ cực và cũng đã có không ít người bị địch giết hại song bà con dân làng nơi đây vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, góp sức chống giặc ngoại xâm. Dưới sự vận động của Xã đội trưởng Rơ Lan Kốt lúc bấy giờ, ban ngày thì đồng bào trốn trong rừng sâu chăm lo sản xuất trồng cây lúa, cây mì để có lương thực cho cuộc sống và tiếp viện cho bộ đội, còn ban đêm thì lại gùi cõng lương thực tiếp tế cho bộ đội ăn no để đánh Mỹ, rồi tham gia vót chông, làm rọ đá… để phục kích đánh địch. Ngày cũng như đêm, hễ có thời cơ là bà con dân làng lại họp sức chuẩn bị kế hoạch để chiến đấu với quân giặc.

Ông Rơ Lan Kốt , làng Hát, xã Ia Pia, huyện ChưPrông cho biết: “Lúc đó đồng chí Bí thư huyện ChưPrông bấy giờ (khu 5 cũ) chỉ đạo tôi phụ trách 7 xã vùng đông là E9, E10, E11, E12, E13, E14 và E15 lãnh đạo vận động nhân dân đóng góp cho cách mạng; đồng thời huy động lực lượng du kích tập trung để chuẩn bị đánh Pleime. Nhớ nhất lúc đó du kích E8 là Kpă Klơng cùng xã đội trưởng E8 và tôi (xã đội trưởng E9) bắt đầu kết hợp phục kích trên đường để đánh địch. Đầu tiên là đánh bằng ná, sau đó là súng tiêu diệt địch năm 1962, trả thù địch đã đánh làng”.

Cũng như ông Rơ Lan Kốt, chính tại nơi này 50 năm về trước, ông Siu Bông cũng là Tiểu đội trưởng Tiểu đội du kích xã đã cùng quân và dân ta làm nên một chiến công vang dội với trận đánh đầu tiên thắng Mỹ tại thung lũng Ia Drăng. 01 tháng trời ròng rã, dưới sự lãnh đạo của chỉ huy chiến dịch, cùng ý chí căm thù quân giặc trong mỗi người dân nơi đây; ngày 19/11/1965 chiến dịch Pleime kết thúc thắng lợi, quân và dân địa phương đã cùng với bộ đội chủ lực làm nên chiến thắng vang dội ở chiến trường Bắc Tây Nguyên trong niềm hân hoan của cả cộng đồng các DTTS vùng Tây Nguyên. Còn với những người như ông thì niềm tin với Đảng, với Cách mạng càng được nhân lên gấp bội.

Ông Siu Bông, làng Me, xã Ia Ga, huyện ChưPrông kể lại: “Trước đó nó đánh thì không sợ vì đó là nhiệm vụ của mình mà. Chúng tôi đi làm bộ đội là lực lượng bảo vệ dân, bảo vệ chính quyền. Chúng tôi chia làm 3 mũi tiến công, bên C1, bên C2 chúng tôi đào lô cốt, chiến hào nhiều lắm. Chúng tôi ở tiểu đội Kpă Klơng, đi mò mìn gỡ hết rồi lấy bọc phá đốt hàng rào. Hàng rào cháy, chúng tôi bị thương được khiêng về; sau đó anh em đánh mạnh hơn nữa, mình bắt sống mấy người, lấy được 20 khẩu súng”.

Những thế hệ một thời kiên trung bất khuất với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” như ông Kốt, ông Bông dù nay đã già yếu, nhưng hồi ức của họ về một thời chiến đấu hào hùng thì vẫn còn sống mãi. Theo Đảng, theo cách mạng từ khi còn rất trẻ; tuổi xuân của họ đã được khắc ghi bằng những ký ức hào hùng, những năm tháng không thể nào quên nơi chiến trường Pleime ác liệt năm xưa; và nay vùng đất ấy đang thay da đổi thịt từng ngày thì trong họ vẫn mãi còn vẹn nguyên ký ức về một thời thanh xuân đầy nhiệt huyết đã sống và cống hiến hết mình cho đất nước, cho dân tộc ./.

 

 

Mỹ Tiến – Thiên Thanh – Duy Linh


Lượt xem: 103

Trả lời