Ký ức Ngày Tết độc lập

Cập nhật 02/9/2020, 06:09:42

Vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử trước hơn 50 vạn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố với Nhân dân Việt Nam và thế giới: khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đã 75 năm trôi qua song những ký ức về mốc son chói lọi này luôn in đậm trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam.

Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1943 khi mới 18 tuổi ông Lê Tuận đã tham gia phong trào của công nhân Ba Son. Sau đó trở về quê nhà tại tỉnh Bình Định tham gia trong đội tự vệ của thôn. Từ đó, ông tham gia và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng ở các chiến trường, mặt trận khác nhau và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Dù nay đã 96 tuổi song ông vẫn còn nhớ như in thời khắc và khí thế của ngày 2/9/1945 khi được nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập.

Ông Lê Tuận – Cán bộ tiền khởi nghĩa, phường Diên Hồng, TP.Pleiku xúc động nhớ lại: “Tập trung từ trường là tỏa ra 2 ngã cầm cờ và khẩu hiệu đi biểu tình; rồi sau đó đi vào sân bay cũ ở Quy Nhơn để nghe đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Lúc đó Nhân dân Bình Định hồ hởi, phấn khởi lắm và cùng hô to Việt Nam độc lập,Việt Nam độc lập”.

Còn với ông Nguyễn Hoàng cũng là cán bộ tiền khởi nghĩa mặc dù không được trực tiếp nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập song khi được mọi người thuật lại trong ông hừng hực khí thế và tin tưởng vào một cuộc sống mới sẽ đến với toàn dân tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng – Cán bộ tiền khởi nghĩa, phường Phù Đổng, TP.Pleiku tự hào nói: “Lãnh đạo Tổng bộ Việt Minh của tỉnh nói thì mình tin tưởng thì bữa nay chế độ của mình đánh đổ bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật; mình được làm chủ, người dân bữa nay được tự do nên là ai cũng phấn khởi hết; cuộc sống đã thay đổi, mình tin tưởng là từ nay không còn làm nô lệ nữa, không bị bắt lính nữa, không bị đói khát nữa, không ai đánh đập mình nữa, được tự do, dân chủ”.

Nhắc đến ngày lễ Quốc Khánh 2/9 trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp để bất cứ người dân Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, cùng nhau tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Để từ đó, đoàn kết, ra sức thi đua xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.

Đức Hải, Thanh Sáng


Lượt xem: 55

Trả lời