Ký ức của những người lính về Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai

Cập nhật 16/3/2022, 07:03:54

Ngày 17/3/1975, tỉnh Gia Lai được giải phóng, chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã phá vỡ hoàn toàn hệ thống phòng ngự liên hoàn của Mỹ – ngụy, tạo thế để quân và dân ta mở tiếp các cuộc tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng và sau đó là cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 47 năm đã trôi qua, đối với những người lính từng làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường Tây Nguyên thì việc Pleiku được giải phóng hết sức nhanh gọn ngay trong ngày 17/3/1975 mãi là một niềm vui lớn, với bao niềm xúc động, tự hào. Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai (17/3/1975-17/3/2022), mời quý vị và các bạn cùng ngược dòng thời gian để cảm nhận không khí trước và trong ngày giải phóng tỉnh Gia Lai qua lời kể của một số người lính từng tham gia chiến đấu trên địa bàn tỉnh năm ấy.

Đầu năm 1975, cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ và đi vào giai đoạn cuối. Ngày 4/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Bằng trận mở đầu tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột, lực lượng ta đã đánh “đòn điểm trúng huyệt”, làm đảo lộn thế trận phòng thủ của Mỹ-ngụy ở Tây Nguyên. Đến 11 giờ ngày 11/3/1975, ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột. Trong khi đó phía Nam Pleiku, ngày 8/3/1975, một đơn vị của Sư đoàn 320 tấn công tiêu diệt quận lỵ Thuần Mẫn, cắt đường số 14 đoạn bắc Cẩm Ga. Các chốt bảo an, dân vệ trên đường số 7 từ Chư Drê đến Mỹ Thạch bị tê liệt. Trên địa bàn thị xã Pleiku, lực lượng vũ trang tỉnh tấn công phá hủy sân bay Cù Hanh, Arêa. Quá trình mở màn chiến dịch, ta đã thực hiện đánh chia cắt địch theo kế hoạch, hoạt động nghi binh, giữ bí mật bất ngờ hướng tấn công, đã kìm giữ và thu hút được lực lượng chủ lực quân ngụy về phòng thủ ở Pleiku và Kon Tum. Trước diễn biến nhanh chóng của tình hình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất kế hoạch chuyển trọng tâm chỉ đạo, tập trung toàn lực cho việc tiến công tiêu diệt địch, giải phóng và tiếp quản thị xã Pleiku. Quân và dân thị xã phối hợp cùng quân chủ lực, bộ đội tỉnh tấn công địch và nổi dậy giành quyền làm chủ từng phần ở cơ sở trong nội thị, giải phóng vùng ven, tiến đến giải phóng toàn thị xã. Trước sự thất thủ tại Buôn Ma Thuột và khí thế tiến công như vũ bão của quân dân trong tỉnh, lực lượng Quân đoàn II ngụy tại Pleiku hoang mang, suy sụp và được lệnh rút khỏi Pleiku theo đường số 7. Cuộc tháo chạy “tùy nghi di tản” đã tạo nên cảnh hỗn loạn khắp thị xã và các địa bàn.

Dù đã 47 năm trôi qua, song mỗi khi nhắc lại sự kiện lịch sử ngày 16/3/1975, những chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 408 ngày nào như được sống lại trong thời khắc lịch sử thiêng liêng với bao niềm tự hào xen lẫn xúc động. Đối với ông Lê Mạnh Hùng – nguyên Quyền Trung đội trưởng, Đại đội 408, Bộ đội đặc công tỉnh Gia Lai, hiện sinh sống tại phường Hoa Lư, TP.Pleiku thì thời điểm ông cùng các đồng đội được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp quản Khu cố vấn Mỹ và Tòa Hành chính ngụy mãi là thời khắc không thể nào quên.

Ông Lê Mạnh Hùng – Nguyên Quyền Trung đội trưởng, Đại đội 408, Bộ đội đặc công tỉnh Gia Lai kể lại:Trưa 16/3 đúng 1h chiều/ khi vào đến Phù Đổng được đồng chí Đinh Thuấn – Chính trị viên Tiểu đoàn và đồng chí Vũ Văn Bảo quyền Tiểu đoàn trưởng phân công chúng tôi lên chiếm lĩnh khu vực Khu cố vấn Mỹ và Tòa Hành chính. Khi đi có tôi là quyền Trung đội trưởng Trung đội 3, đồng chí Chu Quang Tùy là Đại đội trưởng là người trực tiếp chỉ huy, đồng chí Trịnh Thế Đoàn – Tiểu đội trưởng, đồng chí Triệu La Phương là Tiểu đội trưởng được phân công lên đấy, dẫn Trung đội  lúc đấy hơn 10 người thôi/ khi lên đến Khu cố vấn Mỹ, chiếm được Khu cố vấn Mỹ xong rồi thì phân công đơn vị Đại đội 70 chốt ở khu vực đấy, tôi cùng với đồng chí Chu Quang Tùy – Đại đội trưởng, Trịnh Thế Đoàn, Triệu La Phương tiếp tục ra khu Tòa nhà hành chính của ngụy ngày xưa, bây giờ là UBND tỉnh bây giờ lúc đấy hạ cờ xuống, cắm cờ của mặt trận giải phóng dân tộc ở đấy và khu vực Tỉnh ủy bây giờ./ Đồng chí Triệu La Phương cắm cờ/ tôi đứng dưới bảo vệ cho đồng chí cắm cờ, đồng chí Trịnh Thế Đoàn cảnh giới, anh Tùy đi kiểm tra./ Khi hạ lá cờ ngụy xuống và cắm cờ thì chỉ biết ôm nhau, chảy nước mắt ra thôi và nghĩ không phải đi đánh nhau nữa.

Ngày 17/3/1975, lãnh đạo Ban cán sự khu 9, Trung đoàn 95A, Tiểu đoàn 29 của Sư đoàn 968 chia làm nhiều cánh tiến vào tiếp quản thị xã Pleiku, trước sự vui mừng phấn khởi của nhân dân. Lúc này, ở hướng Cheo Reo, các lực lượng tiếp tục tổ chức bao vây địch ở tiểu khu Cheo Reo, chiếm lĩnh toàn thị xã Hậu Bổn (18/3). Ngày 21/3, ta làm chủ quận lỵ Phú Túc. Ở phía đông tỉnh, từ ngày 17/3, bộ đội ta liên tục tấn công các cứ điểm, đồn chốt của địch, giải phóng các xã phía bắc, phía nam và tây nam quận lỵ An Khê. Sáng ngày 23/3/1975, ta tiếp quản An Khê, thành lập Ủy ban quân quản, ổn định tình hình thị trấn.

Ông Phạm Kim Xuân  – nguyên Trợ lý quân lực, Tỉnh đội Gia Lai bồi hồi nhớ lại: “Chiều 16/3 máy bay quân địch đã ném bom cầu An Khê/ lúc đó chúng tôi đã có ở đó rồi chặn đoàn xe khoảng 200 chiếc không xuống An Khê được/ Ngày 17/3 nhận được tin giải phóng Gia Lai, chúng tôi làm nhiệm vụ ở thị xã An Khê, làm công tác dân vận, thu hồi vũ khí của địch bỏ lại, giữ an ninh trật tự cho nhân dân. Nói về tình cảm, tâm tư của những người chiến sĩ giải phóng trong những năm chiến đấu ở chiến trường, khi nghe biết được tỉnh nhà giải phóng thì niềm vui, cảm xúc không thể nào kể được”

Bà Rơmah Sao – nguyên Trợ lý dân quân Huyện đội khu 4 (nay là huyện Ia Grai) bày tỏ: “Ngày 17/3/1975 giải phóng Gia Lai thì chúng tôi ở trong rừng, hồi đó đông lắm, cả tiểu đoàn đông lắm cả Gia Lai, Đăk Lắk, Kon Tum, Bình Định có hết, chị em cũng mừng, vui mừng, chẳng biết làm gì, cảm thấy rất phấn khởi. Mừng cho dân đỡ khổ.”

Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những cựu chiến binh tham gia giải phóng tỉnh Gia Lai năm xưa vẫn không thể nào quên về một thời gian khổ, ác liệt của chiến tranh để giành độc lập, tự do và viết nên lịch sử hào hùng của dân tộc. Đã 47 năm trôi qua kể từ ngày tỉnh Gia Lai được giải phóng (17/3/1975), cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc, luôn trân quý sự hy sinh và công lao đóng góp to lớn của đồng bào và chiến sĩ, những người đã hy sinh xương máu để làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên Gia Lai giàu truyền thống cách mạng./.

Thiên Thanh – R’Piên


Lượt xem: 56

Trả lời