KỸ NGHỆ ĐÁ CŨ AN KHÊ-  Phóng sự kỳ 1: “Những phát lộ trong lòng đất”. 

Cập nhật 27/3/2019, 08:03:18

Sau những kết quả khai quật khảo cổ học tại thị xã An Khê vốn vẫn gây ngỡ ngàng giới khảo cổ học trong nước và quốc tế, trong 2 ngày 29 và 30/3 tới đây tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Viện Khảo cổ-Dân tộc học Novosibisk (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Bang Nga) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 2 “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè 2 mặt ở châu Á”. Nhân sự kiện khoa học quan trọng này, chúng tôi giới thiệu đến quý vị và các bạn seri phóng sự, nhằm có thêm một góc nhìn về những giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử đặc biệt quan trọng của di chỉ khảo cổ mà Gia Lai đang sở hữu.

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam, vào năm 2014, khi thực hiện đề tài “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến nay”, ông cùng với chuyên gia khảo cổ học Phan Thanh Toàn đã tiến hành điều tra khảo cổ học ở khu vực thượng lưu sông Ba, tại khu vực Gò Đá, thị xã An Khê. Dựa vào hố đào rộng hàng nghìn m2 , sâu trung bình 3m đã phát hiện được một số hiện vật đá có vết ghè đẽo của con người. Những công cụ đá quắc và quắc rít có vết ghè đẽo thô sơ. Đặc biệt là công cụ ghè 2 mặt còn nằm trong địa tầng nguyên vẹn, là cơ sở chính để các nhà khảo cổ học nhận định ở đây có vết tích cư trú của con người thời đại đá cũ.

PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Khi phát hiện địa điểm này, chúng tôi không nghĩ nó lại cổ thế, chưa hiểu niên đại thế nào cả, khi nghiên cứu chúng tôi tạm xác nhận đây là di tích khảo cổ học có tổ hợp công cụ khác với tất cả các địa điểm sơ kỳ đá cũ mà chúng ta được biết ở Việt Nam. Đây là phát hiện khảo cổ học rất quan trọng mở đầu cho toàn bộ chương trình nghiên cứu hệ thống Di tích Sơ kỳ Đá cũ ở An Khê”.

Chuyên gia khảo cổ học Phan Thanh Toàn, Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng cho biết: “Khi nghiên cứu vùng thung lũng An Khê, chúng tôi phát hiện ra quy luật, đó là nơi nào chúng tôi tìm thấy nguồn nguyên liệu bằng đá cổ như thế này, do cư dân cổ dùng làm công cụ lao động, những hòn đá như thế này chúng tôi dễ dàng tìm ra di chỉ xung quanh đấy”.

Trong khảo cổ học thời sơ kỳ đá cũ, việc phát hiện rìu tay là vô cùng quan trọng, chứng minh cho kỹ thuật chế tác công cụ lao động một cách ổn định, lâu dài của người tối cổ – Còn gọi là người vượn đứng thẳng, một trong những tổ tiên của người hiện đại trên thế giới.

Từ những phát lộ ban đầu tìm thấy trong lòng đất ở khu vực Gò Đá, trong các năm: Từ 2015 đến 2019, triển khai chương trình hợp tác nghiên cứu khảo cổ học Việt – Nga, cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Gia Lai và Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga đã phát hiện mới 19 địa điểm, nâng tổng số di tích lên 23 địa điểm…

PGS.TS Nguyễn Giang Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam nêu: “ Một thời gian dài, chúng ta đã không chú ý đến vùng đất Tây Nguyên này, và chính vì thế việc phát hiện sơ kỳ đá cũ ở An Khê khá muộn màng. Chúng ta đã đi tìm di chỉ đồ đá cũ trong cả cuộc đời và bây giờ ta đã tìm được nó ở trên mảnh đất Tây Nguyên và tôi cho rằng đây không chỉ là niềm tự hào của người Việt Nam, của các nhà khảo cổ Việt Nam mà là niềm tự hào của giới khảo cổ Đông Nam Á”.

Tại các điểm di tích đã khai quật, các nhà khoa học phát hiện hàng nghìn di vật đá, hàng trăm mảnh thiên thạch. Tiêu biểu cho tổ hợp hiện vật đá ở đây là các công cụ đá được làm tư những viên cuội, có cấu tạo cứng, kích thước lớn, vết ghè còn thô sơ, nhưng mang chức năng riêng, như: Công cụ chặt, nạo, những mũi nhọn… cùng một số công cụ làm từ mảnh tước. Loại hình tiêu biểu của kỹ nghệ An Khê là những công cụ ghè 2 mặt, trong đó, rìu tay là công cụ độc đáo nhất. Chúng được gia công với trình độ mỹ thuật và thẩm mỹ cao, mang đặc trưng công cụ giai đoạn tối cổ của nhân loại – Sơ kỳ Đá cũ…

Các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp nào để xác định niên đại, kỹ nghệ Đá cũ An Khê có gì độc đáo… Là vấn đề sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong kỳ 2 của seri phóng sự này.


Lượt xem: 138

Trả lời