Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV bước sang ngày làm việc thứ hai

Cập nhật 24/5/2022, 11:05:35

Sáng nay (24/5), Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV bước sang ngày làm việc thứ 2. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe các báo cáo quan trọng về triển khai dự án đường Hồ Chí Minh, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

 

Trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66 năm 2013 của Quốc hội khóa 13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về khả năng cân đối nguồn lực, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 ngày 24/02/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nên nhiều dự án phải dừng giãn tiến độ trong đó có các dự án thành phần thuộc đường Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh quy mô nền kinh tế chưa đủ lớn, khả năng nguồn lực có hạn nên đến hết năm 2020 chưa cân đối bố trí đủ nguồn vốn để nối thông toàn tuyến như mục tiêu của Nghị quyết số 66năm 2013 của Quốc hội khóa 13.

Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội khóa 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42ngày 21/6/2017 của Quốc hội khóa 14 do Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày tại Kỳ họp cũng cho thấy việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp khó khăn có nguyên nhân do khách hàng không tự giác, thậm chí trốn tránh trả nợ, chống đối, không bàn giao tài sản đảm bảo.Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, xử lý nợ xấu còn nhiều hạn chế, khó khăn xuất phát từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt, về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ xấu, về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo.Về chính sách kéo dài Nghị quyết, Thống đốc NHNN cho biết, đến hết ngày 15/8/2022, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 sẽ không được áp dụng. Việc này sẽ kéo dài quá trình xử lý nợ xấu; không khuyến khích, huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Vì vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu cùng với việc rà soát, hoàn thiện luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.

Theo chương trình làm việc, chiều nay Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; đồng thời nghe Báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

          Thông tin chi tiết sẽ được Đài PT-TH Gia Lai tiếp tục cập nhật./.

BT: Mỹ Tiến, Trần Thi


Lượt xem: 5

Trả lời