Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV thảo luận, xem xét nhiều vấn đề quan trọng

Cập nhật 04/1/2022, 18:01:10

Hôm nay (4/1), Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tham dự Kỳ họp có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam. Kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ cầu truyền hình Nhà Quốc hội đến 62 điểm cầu của 62 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố (riêng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội).

 Tham dự Kỳ họp tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, các vị ĐBQH tỉnh, cùng lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh và một số sở, ngành liên quan.

 

Theo kế hoạch, Kỳ họp diễn ra từ ngày 4/1 và sẽ bế mạc vào ngày 11/1. Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định những vấn đề lớn, cấp bách để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước; phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; 3 dự thảo Nghị quyết gồm: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Với những vấn đề quan trọng, cấp bách được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp lần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị ĐBQH phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ các nội dung, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng để kỳ họp thành công tốt đẹp.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu:Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa hết sức quan trọng, được cử tri, Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi; do đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc, cầu thị trong tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua và sớm ban hành để kỳ họp thành công thực chất, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước. Diễn ra trong những ngày đầu năm 2022, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và  Kỷ niệm 76 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2022), cùng với thành công của Kỳ họp thứ nhất và Kỳ họp thứ hai, những kết quả đạt được tại Kỳ họp bất thường lần này sẽ góp phần rất quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 – 2025. Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV”.

 Trong phiên làm việc tại hội trường vào sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã trình bày Báo cáo thẩm tra các dự thảo Nghị quyết.

Theo chương trình làm việc, chiều nay, các đại biểu đã thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

 

Qua thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và tác động nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, các chính sách hỗ trợ kịp thời, có sự đột phá và lan tỏa, triển khai nhanh, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm còn lại của giai đoạn 2021-2025 cũng như giai đoạn tiếp theo, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn; tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức quốc tế. Chương trình về phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã bao quát được toàn bộ các lĩnh vực của đời sống, kinh tế. Trong đó xác định ưu tiên cho lĩnh vực y tế gắn với chương trình và chiến lược tổng thể phòng chống, dịch Covid-19. Các giải pháp đều được chú trọng về tính hiệu quả lan tỏa và phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Theo đó, 5 nhóm giải pháp chủ yếu của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội bao gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; Đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực, xã hội cho đầu tư phát triển; Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thảo luận tại tổ, các ĐBQH tỉnh Gia Lai và lãnh đạo các sở, ban, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, nhấn mạnh sự cần thiết, tính khả thi khi nghị quyết được thông qua và triển khai trong thực tiễn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, đem lại hiệu quả cao.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu: “ Chúng ta đều thống nhất với 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong đề án này đặt ra, nên cần thiết phải tiếp tục đầu tư nhiều mặt cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.  Hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng, sự cần thiết đầu tư ở đây không chỉ có cơ sở vật chất mà kể cả chế độ chính sách  cho lực lượng ở cơ sở và y tế dự phòng. Đầu tư việc này không chỉ cho chuyện phòng, chống dịch Covid-19 mà còn cả cho yêu cầu điều trị bệnh chăm sóc sức khỏe, KCB cho nhân dân sau này nữa. Đối với chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm trong đề án này có rất nhiều chính sách, chính sách nhà ở cho công nhân sau khi quay lại các khu công nghiệp để ổn định sản xuất, chính sách xét nghiệm Covid hỗ trợ từ ngân sách và nhiều chính sách xã hội đi kèm. Chúng ta thấy rằng, mọi chính sách hỗ trợ để kích cầu, thông qua chính sách tiền tệ, thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng…. thì bội chi nằm trong quy định cho phép, thu ngân sách quốc gia  không bị ảnh hưởng. Đây là điều tôi thấy đồng thuận cao”.

Bà Siu Hương – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu ý kiến: “Tôi đồng tình rất cao về giải pháp giảm 2% thuế VAT, đây là giải pháp hết sức cụ thể, bám sát hoạt động hiện nay của doanh nghiệp. Khi đưa ra các chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dự thảo nghị quyết chỉ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp lớn và vừa như: Giảm thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, tính chi phí hỗ trợ phòng, chống Covid-19 vào chi phí doanh nghiệp. Tuy nhiên cần xem xét, quan tâm đến đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đây là đối tượng bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19, do vậy cần phải có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất cho vay, giảm tiền đóng BHXH cho người lao động”.

Đại tá Đinh Văn Thê – Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, ĐBQH tỉnh Gia Lai cho biết: “Về huy động nguồn lực, tôi tán thành với giải pháp Chính phủ đưa ra để huy động nguồn lực cho chương trình. Tuy nhiên đề nghị tính toán việc huy động nguồn lực nhất là các nguồn vay phù hợp với khả năng trả nợ, giải ngân, khả năng hấp thụ của nền kinh tế, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời đề nghị báo cáo rõ tính khả thi của nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ ngân sách trong 2 năm 2022-2023. Việc phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ cần tính toán, đánh giá kỹ tính khả thi, hết sức thận trọng. Trong trường hợp cấp bách phải phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ, trước khi thực hiện, Chính phủ cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định.  Ngoài ra cần quan tâm lồng ghép hiệu quả các nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư y tế ở cơ sở, tại các địa phương, nhất là ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn để đầu tư nâng cấp phát triển y tế cơ sở, tín dụng ưu đãi giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân ngay từ những tháng đầu năm”.

 Bà Rơ Châm H’Phik – Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Chư Păh, ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu ý kiến: “Hiện nay, tại tỉnh Gia Lai các ca nhiễm có dấu hiệu tăng, tỉnh đã sử dụng hết các nguồn lực trong thời gian vừa qua. Chúng ta thấy rằng ngân sách của tỉnh Gia Lai hiện nay rất hạn hẹp, vì vậy liên quan đến việc tháo gỡ để nhằm ổn định phát triển KT-XH của tỉnh, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đến Gia Lai liên quan đến nguồn chi và kinh phí để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch”.

 Qua thảo luận, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ  doanh nghiệp kinh doanh  vận tải trước những tác động của đại dịch Covid-19. Các chính sách hỗ trợ cần rà soát để có sự tiếp nối, kế thừa các chính sách đã triển khai trước đây; cần chú trọng khâu thanh, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn nhằm không để xảy ra sai sót, vi phạm…. Các đại biểu cũng đề nghị cắt giảm các thủ tục không cần thiết, sớm nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý đa dạng hóa các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, đồng thời cần bổ sung và triển khai một số chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ cho lĩnh vực quốc phòng-an ninh để lực lượng quân đội, công an vừa hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, vừa tham gia phòng, chống dịch bệnh./.

 Thiên Thanh, Huy Toàn

 


Lượt xem: 15

Trả lời