Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất Quốc hội khóa XV: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai thảo luận tại tổ các nội dung quan trọng trình tại Kỳ họp

Cập nhật 06/1/2022, 17:01:14

Hôm nay – 06/01, theo chương trình làm việc, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc với phần thảo luận tại tổ, đóng góp ý kiến vào dự thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 dự thảo luật và Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai chủ trì thảo luận tại tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. Tham dự thảo luận, cùng với các đại biểu Quốc hội tỉnh còn có sự tham gia của các đại biểu khách mời là lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.

      Trong chiều nay, các đại biểu đã tập trung thảo luận 2 nội dung chính là: Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Đối với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng đây là chủ trương hết sức cần thiết và phải sớm được triển khai. Bởi hành lang vận tải trên trục Bắc – Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Có thể nói, đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước. Trên hành lang vận tải này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư. Với vai trò là trục huyết mạch nên cần sớm hoàn thiện để tạo động lực và sức lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Việc triển khai đầu tư Dự án phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội được Đại hội XIII của Đảng thông qua; Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 được thông qua tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua; phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ và quy hoạch các ngành, các địa phương.

          Một số ý kiến của đại biểu cho rằng, giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ chỉ đề xuất đầu tư 729 km, 27 km còn lại của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông chưa đầu tư trong giai đoạn này mà để lại cho giai đoạn sau là hợp lý vì phù hợp với khả năng của nguồn vốn. Cùng với đó, các đại biểu cũng cho rằng cần tính đến công tác giải phóng mặt bằng một lần để tiến tới hoàn chỉnh quy mô làn, tránh phát sinh những hệ lụy về sau. Cùng với đó, vấn đề tiến độ thi công dự án cũng được nhiều đại biểu quan tâm:

          Đại biểu Siu Hương, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nêu: “Về tiến độ hoàn thành dự án, tôi đề nghị Chính phủ xem xét khối lượng công việc và định mức lao động để xác định thời gian triển khai dự án cho chính xác, hợp lý. Vì đây là nguyên nhân đội vốn của nhiều công trình. Theo tờ trình của Chính phủ, Dự án cần khoảng 03 năm để khởi công và khoảng 02 – 03 năm để thi công, khả năng đến năm 2026 mới hoàn thành toàn tuyến. Qua kết quả thực hiện giám sát dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 cho thấy những khó khăn, vướng mắc về thiếu nguyên vật liệu, giá nguyên vật liệu tăng cao, bãi đổ thải… Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt để xử lý những vấn đề nêu trên, tránh ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng Dự án”.

          Đại biểu Rơ Châm H’Phik, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề nghị: “Tôi cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cập nhật quá trình thực hiện triển khai Dự án và thẩm định, để đảm bảo xuyên suốt, có tính liên kết đồng bố, có tính kế thừa khi thực hiện liên quan đến quy hoạch tổng thể quốc gia, để phát huy hiệu quả dự án, không phá vỡ quy hoạch tổng thể quốc gia”.

Liên quan đến việc tổng diện tích rừng chiếm dụng của Dự án bao gồm, rừng phòng hộ khoảng 110 ha và rừng sản xuất khoảng 1.436 ha, các đại biểu cũng kiến nghị cần xin ý kiến của Quốc hội để xem xét, cho ý kiến:

          Đại biểu Đinh Văn Thê, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phát biểu: “Liên quan đến vấn đề đất rừng, trong đó rừng phòng hộ khoảng 110ha và rừng sản xuất, về vấn đề này tôi đồng tình với ý kiến cần báo cáo Quốc hội xem xét để phù hợp với tính toàn diện và đảm bảo pháp luật triển khai dự án. Chính phủ cần xin ý kiến Quốc hội để có phương án thực hiện chuyển đổi mục đích theo thẩm quyền để đảm bảo tiến độ triển khai dự án”.

          Góp ý về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Châu Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho rằng, đây là một chủ trương hết sức cần thiết và thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Tuy nhiên đại biểu cũng cho rằng cần quan tâm đến một số vấn đề trong quá trình triển khai.

          Đại biểu Châu Ngọc Tuấn phát biểu: “Về hai vấn đề mà Chính Phủ và UB kinh tế đề xuất, liên quan đến khoảng 5.481 ha, trong đó, đất trồng lúa 1.532 ha, rừng phòng hộ 110 ha, rừng sản xuất 1436 ha và giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe và đoạn Cần Thơ, Cà Mau 4 làn xe. Vấn đề chuyển đổi đất lúa, đất rừng Quốc hội sẽ giao UBTV Quốc hội xem xét để bảo đảm tiến độ. Về tiến độ thực hiện, thống nhất chuẩn bị đầu tư từ 2021 và cơ bản hoàn thiện 2025, trong này, tiến độ khoảng nhiều quá, mà khoảng này nếu không xác định rõ, chính xác trong giai đoạn tiền khả thi để xin chủ trương, thì sau này tính điều chỉnh không chính xác thì không đảm bảo tiến độ. Về nguồn lực đầu tư, thống nhất như đề xuất tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.  Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội năm 2021 và dịch bệnh chưa lường trước được của năm 2022 cần tính toán thêm các nguồn khác”.

          Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, các đại biểu thống nhất cao về tính cần thiết phải xây dựng chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ. Qua đó, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững trong tương lai.

          Đại biểu Châu Ngọc Tuấn , Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nêu: “Tôi thống nhất với chủ trương cần thiết có chính sách đặc thù cho Cần Thơ. Theo diễn giải của Chính phủ và thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Cần Thơ tác động rất lớn đến các vùng lân cận, là trung tâm đào tạo nguồn lực cho khu vực. Là một trong những trung tâm công nghệ, trung tâm kết nối giao thông của khu vực. Đồng thuận với tờ trình, cần thiết phải có chính sách đặc thù cho Cần Thơ”.

Trước đó, trong buổi sáng nay, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với dự thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật được Chính phủ trình Kỳ họp lần này, gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Đa số ý kiến đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.  

Theo dự kiến,  ngày mai, các đại biểu sẽ thảo luận chung tại Hội trường về những nội dung được Chính phủ trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất Quốc hội khóa XV. Chúng tôi sẽ cập nhật nội dung này trong bản tin tiếp theo. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

Ngọc Hà, R. Piên


Lượt xem: 12

Trả lời