Krông Pa – Những sắc màu văn hóa cồng chiêng

Cập nhật 21/2/2024, 06:02:05

Trong hành trình xây dựng và phát triển địa phương, huyện Krông Pa luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, đặc biệt là Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại được UNESCO vinh danh; để mỗi mùa Xuân mới đến, bức tranh vùng đất từng được ví là “chảo lửa” nay không chỉ có những điểm sáng về kinh tế mà còn có đa sắc màu văn hoá, hoà điệu cùng nhịp sống hiện đại.

Nay Văn ở buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok cùng các bạn thường tụ tập tại đây để được các nghệ nhân trao truyền nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng. Với các em, được học biểu diễn cồng chiêng là niềm tự hào lớn lao.

Em Nay Văn – Buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa nói: “Cháu rất thích đánh cồng chiêng, các nghệ nhân hướng dẫn cho cháu đánh cồng chiêng và bây giờ cháu biết đánh rồi.”

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Ô Bhung – Buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa chia sẻ: “Thời gian vừa qua buôn mình, xã mình được Đảng và Nhà nước quan tâm và mình dạy cồng chiêng cho người lớn, người nhỏ./ Tôi bây giờ cũng hơn 80 tuổi rồi, càng ngày càng yếu nên cũng muốn góp một phần để bảo tồn cồng chiêng.”

Công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng luôn được huyện Krông Pa quan tâm với nhiều hình thức như tổ chức truyền dạy kiến thức về cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Đối với buôn Mlah, xã Phú Cần đã cử các nghệ nhân đánh cồng chiêng giỏi trong buôn hướng dẫn tập luyện cho các em nhỏ vào thứ 7 hàng tuần. Nhờ vậy, buôn luôn duy trì đội cồng chiêng với 35 thành viên; đã đạt giải cao tại Hội thi văn hóa cồng chiêng do huyện tổ chức.

Già làng Ksor Bưn – Buôn Mlah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa cho biết: “Được tham gia liên hoan cồng chiêng, bà con buôn mình ai cũng mừng lắm. Buổi tối mình chỉ bảo cho bà con tập luyện để có bài chiêng hay của đồng bào Jrai mình đem đi biểu diễn cho mọi người xem.”

Huyện Krông Pa hiện có 05 Câu lạc bộ Văn hoá cồng chiêng, lưu giữ được 414 bộ cồng chiêng, với 4.754 chiếc; 01 Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Chỉnh chiêng; 01 Nghệ nhân ưu tú trong linh vực thực hành lễ hội truyền thống, chỉnh chiêng và truyền dạy cồng chiêng. Huyện đã tổ chức tốt các lễ hội truyền thống, trong đó biểu diễn cồng chiêng là điểm nhấn và tham gia các sự kiện văn hoá lớn của tỉnh như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ II năm 2023; Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Gia Lai năm 2023 và các hoạt động “Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức và Trải nghiệm”; “Sắc màu văn hóa Gia Lai – Bảo tồn và phát triển”; đã tạo được những dấu ấn riêng trong lòng du khách.

Ông Nguyễn Tiến Đãng – Phó Chủ tịch UBND  huyện Krông Pa trao đổi: “Thời gian tới UBND tiếp tục rà soát các bộ cồng chiêng trên địa bàn huyện qua đó để tiếp tục vận động các gia đình có lưu giữ cồng chiêng cũng như các thôn, buôn đang quản lý các bộ cồng chiêng làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và triển khai các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động phát huy giá trị của cồng chiêng. Thứ hai tổ chức các hoạt động giao lưu cồng chiêng ở các đơn vị xã, thị trấn và hàng năm huyện sẽ tổ chức các hoạt động giao lưu cồng chiêng giữa các xã, thị trấn.”

Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại huyện Kông Pa không chỉ được trao truyền, bảo tồn, luôn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt, văn hoá, tinh thần của nhân dân trong huyện mà còn được phát huy trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, mời gọi du khách đến với vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đang đổi thay từng ngày, nhất là mỗi khi Tết đến Xuân về.

 Sơn Trung


Lượt xem: 6

Trả lời